Nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Đậu mùa khỉ, đáp ứng khẩn cấp, xử trí kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát ra cộng đồng, Sở Y tế đã sớm ban hành Phương án 4339/PA-SYT ngày 6 tháng 9 năm 2022 đáp ứng phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ (tạm thời) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở y tế phải rà soát, đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, vật tư để đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh đậu mùa khỉ.
3 tình huống phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ Cụ thể, ngành Y tế Đà Nẵng xây dựng 3 tình huống dịch bệnh gồm: tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại thành phố; tình huống 2 là đã xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố và tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng. Đối với mỗi tình huống dịch bệnh sẽ có phương án đáp ứng riêng. * Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại thành phố: Chủ động phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên tại thành phố để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cộng đồng. - Công tác giám sát, xử lý: Tập trung vào các hoạt động giám sát, xử lý phòng, chống dịch tại cửa khẩu (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu xử lý, đáp ứng). Tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Tăng cường công tác truyền thông tại cửa khẩu, trên nhiều phương tiện, đa dạng hoá nội dung và hình thức truyền thông. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục các biện pháp giám sát, điều tra trường hợp tiếp xúc gần; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển, gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương/các Viện Pasteur theo quy định của Bộ Y tế để xét nghiệm tác nhân gây bệnh.v.v…
Tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ
- Các hoạt động giám sát, phòng, chống dịch, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế: Tại các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, sẵn sàng khu vực cách ly với các điều kiện đảm bảo phòng, chống lây nhiễm để tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân nghi ngờ, ca bệnh xác định theo Quyết của Bộ Y tế. Đặc biệt chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới, người có suy giảm miễn dịch. Tổ chức giám sát tại y tế tuyến cơ sở và tại các cơ sở y tế khác để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay khi phát hiện, khai thác thông tin bệnh nhân, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm.v.v… Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố - Đối với người bệnh (áp dụng với trường hợp bệnh xác định hoặc trường bệnh nghi ngờ chưa có kết quả xét nghiệm): Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện phối hợp với cơ sở điều trị khẩn trương triển khai điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần. Người tiếp xúc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác. Chủ động rà soát, điều tra mở rộng xung quanh tại các điểm nguy cơ cao (nơi ở, nơi làm việc, …), tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cảnh giác để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa. Cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo Quyết định của Bộ Y tế, giảm tối đa biến chứng, tử vong. Hạn chế việc chuyển tuyến bệnh nhân để tránh lây lan, trừ trường hợp thực sự cần thiết. Thực hiện theo dõi, hội chẩn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, chuyển viện theo quy định; đảm bảo an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm. Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nghi ngờ. Xử lý tử thi theo Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng. - Đối với người tiếp xúc gần: Điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần; lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Khi có triệu chứng phát ban và nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau lưng, nhức mỏi cơ thể, mệt mỏi, nổi hạch, ... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời. Người chăm sóc người bệnh phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và những người khác. Người tiếp xúc gần phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối (nên đo nhiệt độ 2 lần/ngày).v.v… Tiếp tục các hoạt động điều tra, truy vết; giám sát, điều tra dịch tễ, truyền thông tại cửa khẩu, cộng đồng, cơ sở y tế để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nghi ngờ/xác định mắc bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải, đường bộ để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ/xác định mắc bệnh. Tổ chức thường trực phòng, chống dịch theo quy định hiện hành tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ca bệnh, ổ dịch.v.v… * Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng Các đơn vị y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp ở tình huống 2. Đồng thời: hàng ngày báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu UBND thành phố và các cơ quan liên quan các biện pháp phòng chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời. Tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đơn vị. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch. Phối hợp với các cơ quan báo chí tăng thời lượng, tầng suất thực hiện các chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tọa đàm, tin bài …về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống. Duy trì 24/24 đường dây nóng của Sở Y tế và các đơn vị y tế trực thuộc. Căn cứ vào dự báo tình hình dịch để tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.v.v…
Các cơ sở y tế phải rà soát, đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, vật tư để đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Ngày 3/10/2022, Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn số 4837/SYT-NVY về tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị, cơ sở y tế rà soát, đảm bảo sẵn sàng thuốc, trang thiết bị để đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh. Đối với Trung tâm kiểm soát bệnh tật phải tăng cường thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch kịp thời. Khi ghi nhận trường hợp bệnh, lập tức phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp đáp ứng, giám sát, điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm. Quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong. Sở cũng lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị. Hữu Quý