TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

https://ksbtdanang.vn


Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh có thể điều trị làm chậm tiến triển khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chia làm hai dạng, bao gồm:
- Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy các chất nhầy. Các chất nhầy này là nguyên nhân gây hẹp đường thở.
- Khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ bằng không gian lớn, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.
copd1

Nguyên nhân của bệnh COPD là gì?
COPD xảy ra khi phổi bị viêm, tổn thương và hẹp đường dẫn khí. Nguyên nhân chính là do hút thuốc, mặc dù tình trạng này đôi khi có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc, ví dụ như những bệnh nhân mắc bệnh giãn phế quản, hen, di chứng lao phổi...)
Thực tế, việc hút thuốc lá càng nhiều và thời gian càng dài thì khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn càng cao. Một số trường hợp COPD là do tiếp xúc lâu dài với khói hoặc bụi có hại. Những trường hợp khác là kết quả của một vấn đề di truyền hiếm gặp, có nghĩa là phổi dễ bị tổn thương hơn.

Bệnh COPD có những triệu chứng nào?

Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác cho đến khi có xuất hiện tổn thương phổi và thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, đặc biệt nếu tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc. Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ban đầu có thể bao gồm:
- Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất;
- Thở khò khè;
- Tức ngực;
- Ho có đờm kéo dài;
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên;
- Thiếu năng lượng;
- Giảm cân ngoài ý muốn (trong giai đoạn sau);
- Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân.
- Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh
Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp, trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid… chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.
Khi xuất hiện các biểu hiện ở giai đoạn ban đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho, khạc đờm là bệnh bình thường. Từ đó, không có các can thiệp kịp thời, dẫn đến tiếp tục tiến triển nặng lên đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Ban đầu, tình trạng khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau cơn khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn.  
Làm gì để phòng tránh bệnh COPD?
- Không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh COPD.
- Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.
- Ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu. Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Không chỉ người bệnh, những bài tập thở còn mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả mọi người.
                                                                                                                                 Thảo Ly
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây