TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

https://ksbtdanang.vn


Bệnh Lao màng não: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng. Nếu nhập viện muộn, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Bệnh Lao nếu là Lao phổi do vi khuẩn lao gây nên có thể lây lan qua không khí. Nếu bệnh không được chẩn đoán và chữa trị sớm thì thông qua con đường máu, vi khuẩn lao sẽ di chuyển đến những cơ quan khác và gây bệnh lao tại khu vực đó.
Lao mang nao

Bệnh lao màng não
Màng não có cấu tạo là một lớp màng bao quang não và tủy sống, vi khuẩn lao hoàn toàn có thể gây bệnh tại đây. Vi khuẩn lao sẽ khiến màng não bị tổn thương, khi ấy gọi là lao màng não hoặc viêm màng não do lao. Bệnh có thể đe dọa đến mạng sống của người bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Lao màng não thường có tốc độ diễn tiến chậm. Mọi người đều có nguy cơ bị mắc bệnh lao bao gồm cả bệnh lao màng não. Tuy nhiên căn bệnh này thường có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với những người phải sống trong điều kiện thiếu thốn. Vì vi khuẩn lao lây lan qua đường hô hấp nên thường bắt gặp nhiễm trùng lao ở phổi, khoảng 1 - 2% ca bệnh nhiễm trùng tiến triển thành viêm màng não do lao. Ít nhất có 20% tỷ lệ bệnh nhân phải chịu biến chứng lâu dài, nghiêm trọng bao gồm các tổn thương ở não, tê liệt, động kinh, điếc,...; Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao (15 - 30%) mặc dù người bệnh đã được điều trị và chăm sóc tích cực.
 Triệu chứng bệnh Lao màng não
Triệu chứng bệnh viêm màng não do lao còn phụ thuộc vào thời gian nhiễm bệnh. Những dấu hiệu này có thể ít hoặc nhiều.
Giai đoạn bệnh khởi phát
Thời kỳ này, các triệu chứng của lao màng não thường xuất hiện và kéo dài từ từ trong khoảng vài tuần, điển hình là: Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, đặc biệt là trong khoảng thời gian chiều và tối; Người bệnh luôn thấy mệt mỏi, ngủ kém, chán ăn, sụt cân bất thường; Trẻ em thì có biểu hiện bỏ ăn, bỏ chơi, buồn ngủ; Các triệu chứng thần kinh như mất ngủ, đau đầu, buồn nôn. Ban đầu sẽ biểu hiện ở mức độ nhẹ, về sau càng ngày càng rõ rệt và nặng hơn. Có trường hợp bị co giật cục bộ nhưng dấu hiệu này chỉ thoáng qua.
Giai đoạn toàn phát bệnh
Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng đã rõ rệt và đủ khiến bệnh nhân phát hiện ra thì bệnh đã tiến triển nặng. Khi đó, người bệnh có thể phải trải qua những triệu chứng như:
  • Thường xuyên bị đau nhức đầu âm ỉ. Có lúc lên cơn đau đầu dữ dội, mức độ đau tăng mạnh nếu có ánh sáng mạnh hoặc tiếng động lớn kích thích;
  • Hay sốt, sốt nhẹ hoặc liên tục về buổi chiều tối;
  • Người bệnh bị đau cột sống, đau khớp, các chi và bị đau bụng;
  • Xuất hiện triệu chứng buồn nôn, tự nhiên nôn không phải do thức ăn;
  • Bị rối loạn tiêu hoá, không thể tự chủ được đại tiểu tiện;
  • Nghiêm trọng hơn là khi bệnh nhân bị liệt các dây thần kinh sọ và liệt tứ chi, rối loạn nhận thức, tâm thần thể nhẹ rồi nặng dần. Nặng hơn người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê.
Các biến chứng bệnh Lao màng não
Những biến chứng của viêm màng não do lao bao gồm: mất đi thị lực, thính lực, co giật cục bộ, tăng áp lực hộp sọ, tổn thương não, mô não, đột quỵ, tử vong.
Biến chứng tăng áp lực trong não là nguyên nhân khiến cho não bị tổn thương vĩnh viễn và không có cơ hội hồi phục. Nếu bệnh nhân thấy thị lực thay đổi kèm theo đau đầu thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay vì đây có thể là triệu chứng của việc tăng áp lực trong não.
Đường lây truyền của bệnh
Phương thức xâm nhập của vi khuẩn lao là thông qua các giọt bắn của người bệnh truyền sang người lành qua các hoạt động giao tiếp, ho, hắt hơi,... Thông qua cơ chế lây nhiễm của vi khuẩn lao, ta có thể hiểu rằng bệnh lao màng não hoàn toàn có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Không chỉ lây qua không khí, thậm chí các bề mặt có dính tiết dịch của người bệnh như đồ dùng cá nhân, đồ ăn họ sử dụng đều có thể chứa vi khuẩn lao. Do đó người bệnh cần cách ly để tránh làm lây bệnh cho cộng đồng cho đến khi họ khỏi bệnh hoàn toàn.
Vi khuẩn khi đi vào cơ thể qua đường thở sẽ ẩn nấp và sinh sôi trong phổi. Giai đoạn đầu cơ thể chưa phát bệnh nên sẽ khó phát hiện triệu chứng bệnh lao. Khi cơ thể bị ốm, yếu giảm sức đề kháng thì vi khuẩn lao sẽ nhân cơ hội này phát triển mạnh hơn, từ phổi chúng có thể đi vào máu và chúng có thể tấn công sang các cơ quan khác. Khi vi khuẩn tiến vào màng não, mô não sẽ hình thành nên các vết áp xe nhỏ (lao vi mô).
Những ổ áp xe trên sau sẽ bị vỡ, gây nên chứng viêm màng não do vi khuẩn lao. Thời gian để xảy ra tình trạng này là ngay lập tức, trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm sau thời điểm nhiễm trùng đầu tiên. Quá trình vi khuẩn tấn công gây bệnh tại màng não sẽ làm tăng áp lực bên trong hộp sọ, khiến mô não và mô thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng.
Đối tượng nguy cơ bệnh Lao màng não
Có thể bắt gặp lao màng não ở mọi đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, trẻ em từ 1 - 5 tuổi, người lớn từ 20 - 50 tuổi thường là đối tượng có nguy cơ cao. Tỷ lệ nam giới bị lao màng não thường cao hơn so với nữ giới. Lao màng não để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao.
Phòng ngừa bệnh Lao màng não
Phương pháp hữu hiệu nhất để đề phòng các bệnh do vi khuẩn lao, cụ thể là lao màng não đó là tiêm vắc xin. Loại vắc xin phòng lao được sử dụng phổ biến hiện nay đó là vắc xin BCG có hiệu quả cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó có tác dụng bảo vệ con người khỏi các dạng bệnh lao nặng, trong đó có lao màng não. 
lao mang nao 2

Ở Việt Nam, vắc xin BCG nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và tất cả trẻ sơ sinh đều được tiêm miễn phí trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, chậm nhất là trong vòng 30 ngày sau khi sinh./.
Hồng Hoa (Tổng hợp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây