TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

https://ksbtdanang.vn


Tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết

Ngành Y tế Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống một cách tích cực, hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt trong việc khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế phải sự có quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, của từng hộ gia đình và từng cá nhân trong cộng đồng.

           Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 281.189 trường hợp mắc Sốt xuất huyết và 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 89 trường hợp. Riêng TP. Đà Nẵng tính từ đầu năm đến ngày 30/10/2022, thành phố đã ghi nhận 7.593 ca bệnh Sốt xuất huyết, tăng 19,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, với số ca mắc trung bình lên đến 310 – 330 ca mắc/tuần, cao hơn ngưỡng trung bình tại thời điểm tháng 10 – tháng 11 giai đoạn 05 năm từ 2016 – 2020.
           Hiện nay thời tiết tại thành phố Đà Nẵng đã bước vào mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.
           Nhận định tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây đang có những diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các quận/huyện tăng cường các hoạt động giám sát việc xử lý dịch bệnh SXH, chủ động điều tra véc tơ, phân tích, đánh giá, xử lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh SXH không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, diệt lăng quăng bọ gậy, xử phạt các điểm phát hiện bọ gậy nhiều lần; đặc biệt tham mưu giám sát, hỗ trợ chính quyền địa phương các xã/phường thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng.
          Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, không để gia tăng, bùng phát và tử vong xảy ra trên địa bàn, ngành y tế đã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch SXH để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; Các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, đồng thời thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp chuyên môn theo qui định hướng dẫn của Bộ Y tế “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue”; Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, diễn biến ổ dịch để có biện pháp khống chế kịp thời khi có lây lan.
          Phối hợp với các ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng cường cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh SXH, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh với các hình thức phù hợp theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình; Phối hợp với Phòng Giáo dục Đào tạo để triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch SXH trong trường học, tuyên truyền cho học sinh thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, trường học.
         Tham mưu kịp thời cho UBND xã, phường chỉ đạo, huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, cùng với ngành Y tế triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ của các xã, phường.

SXH
       Mỗi người hãy dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà

          Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện nay bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh cơ bản, hiệu quả nhất đó là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, tất cả mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn,…đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

          Ngành Y tế Đà Nẵng đã và đang triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch một cách tích cực, hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt trong việc khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế phải sự có quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, của từng hộ gia đình và từng cá nhân trong cộng đồng trong việc thực hiện triệt để các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế./.
Cẩm Trúc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây