TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

https://ksbtdanang.vn


Đà Nẵng cấp thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế

ARV là loại thuốc kháng virus rất quen thuộc với người nhiễm HIV/AIDS. Trước đây, loại thuốc này được cấp miễn phí, tuy nhiên hiện nay sẽ được thanh toán bằng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và đây được coi là sự kiện quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS của nước ta. Tại nhiều tỉnh/thành, những người nhiễm HIV/AIDS đầu tiên đã được nhận thuốc ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế từ ngày 8/3 và hiện Đà Nẵng cũng đã tiến hành thanh toán thuốc ARV cho người nhiễm bằng bảo hiểm y tế.
          ARV là loại thuốc kháng virus rất quen thuộc với người nhiễm HIV/AIDS. Trước đây, loại thuốc này được cấp miễn phí, tuy nhiên hiện nay sẽ được thanh toán bằng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và đây được coi là sự kiện quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS của nước ta. Tại nhiều tỉnh/thành, những người nhiễm HIV/AIDS đầu tiên đã được nhận thuốc ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế từ ngày 8/3 và hiện Đà Nẵng cũng đã tiến hành thanh toán thuốc ARV cho người nhiễm bằng bảo hiểm y tế.

          Hưởng lợi khi tham gia bảo hiểm y tế
          Sau khi nguồn viện trợ thuốc ARV từ các tổ chức nước ngoài bị cắt giảm, nước ta sẽ sử dụng nguồn kinh phí trong nước và ngân sách địa phương để chi trả. Theo quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế.
          Là một trong những người có mặt đầu tiên để nhận thuốc ARV tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, bà L.T.N 65 tuổi ở quận Thanh Khê cho biết “2 năm trở lại đây, tôi đều mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình, các con được giảm tiền mua còn riêng tôi được hoàn tiền lại. Trước đó, do sợ mua bảo hiểm đi khám người khác sẽ biết nên tôi không mua, vì thế trừ thuốc ARV được phát miễn phí, các khoản khám và điều trị khác đều rất tốn tiền. Từ khi mua bảo hiểm tôi thấy lợi hơn rất nhiều”.
          Cùng quan điểm trên, chị H.V, một người bị nhiễm HIV đã 8 năm cho rằng, việc tham gia bảo hiểm y tế với người bình thường đã quan trọng thì với người nhiễm lại càng cần thiết hơn, nhất là khi thuốc ARV là một loại thuốc phải dùng liên tục suốt đời được trả bằng bảo hiểm y tế. Lấy ví dụ từ bản thân là một người vốn có sức khỏe yếu, lại thêm nhiễm HIV nên phải thường xuyên đi khám chữa bệnh, chị N tính ra nếu không mua bảo hiểm y tế thì số tiền hàng năm chị dùng vào việc điều trị bệnh là không hề nhỏ.
          Đối với người nhiễm HIV, việc điều trị bằng thuốc ARV là liên tục và suốt đời, trong khi đó, chi phí cho thuốc ARV phác đồ bậc 1 là khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, còn phác đồ bậc 2 và 3 (những người bị thất bại điều trị phác đồ 1) đắt gấp nhiều lần. Ngoài ra, các chi phí khám bệnh, xét nghiệm, điều trị khác cũng không ít, do đó việc tham gia bảo hiểm y tế chính là giải pháp bền vững để giúp những người nhiễm giảm gánh nặng tài chính cho chăm sóc sức khỏe và đảm bảo việc điều trị lâu dài. Hiện nay, tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV đã được Bộ Y tế quyết định thay đổi từ ngày 27/7/2017. Đó là  điều trị ARV cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV, không phụ thuộc vào số lượng tế bào TCD4 và giai đoạn lâm sàng như trước đây. Và như vậy, người nhiễm HIV sẽ được tiếp cận với thuốc ARV sớm ngay sau chẩn đoán nhiễm HIV và tăng cơ hội sống như người bình thường khác.
          Với người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia bảo hiểm y tế thì không chỉ thuốc ARV mà thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm theo dõi điều trị ARV (bao gồm TCD4 và tải lượng HIV) đều thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
          Đà Nẵng hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế
         Trong tình hình thuốc ARV được thanh toán bằng bảo hiểm y tế, thành phố Đà Nẵng sẽ đảm bảo cho 100% người nhiễm HIV tham gia điều trị có thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ kinh phí đồng chi trả thuốc ARV. Theo BS. Lê Thành Chung – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng thì ngoại trừ những người nhiễm HIV đã được cơ quan đơn vị đóng bảo hiểm y tế, người nghèo, người dân tộc thiểu số đã được cấp phát thẻ thì những người nhiễm HIV/AIDS tự mua bảo hiểm y tế nếu có nhu cầu sẽ được thanh toán lại số tiền đã mua. Điều này đảm bảo cho tất cả người nhiễm đều có thể tham gia bảo hiểm y tế và yên tâm điều trị bệnh. Bên cạnh đó, phần đồng chi trả thuốc ARV cũng được thành phố hỗ trợ khi mà thuốc này không còn được cấp phát miễn phí nữa.
          Hiện Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế cao nhất trong cả nước với 95,5% dân số (tính đến cuối năm 2018). Thành phố đang quản lý hơn 500 người nhiễm HIV tại 2 phòng khám điều trị ngoại trú ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Phụ sản-Nhi, trong đó có 527 người lớn, 15 người bị thất bại điều trị ARV. Tất cả các bệnh nhân đều được điều trị thuốc ARV và tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế (<1.000) đạt 97,5%. Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cũng đã triển khai cấp thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế cho người nhiễm. Hiện tại phòng khám ngoại trú của Bệnh viện thực hiện cấp phát thuốc vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Riêng đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, có 90% được điều trị ARV và tất cả trẻ em sinh ra bị nhiễm đều được điều trị thuốc ARV sớm. Đà Nẵng cũng đảm bảo cho 100% người đồng nhiễm Lao/HIV được điều trị đồng thời ARV và Lao.
          Thành phố cũng duy trì và triển khai đầy đủ các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để người tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận dịch vụ thuận tiện và hưởng đầy đủ các quyền lợi khi điều trị bằng bảo hiểm y tế. Năm 2018, tình hình dịch HIV/AIDS tại Đà Nẵng có xu hướng tăng số ca được phát hiện mới do thành phố tăng cường thực hiện tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017). Số bệnh nhân chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS tương đối ổn định. Số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và số người được điều trị có tải lượng virus ở dưới ngưỡng ức chế đều ở mức cao, trên 90%. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV (ước tính 0,09% dân số nhiễm HIV) là 88%.
          Điều trị bằng thuốc ARV là 2 trong số 3 mục tiêu 90-90-90 mà nước ta đang hướng tới nhằm kết thúc đại dịch vào năm 2030. Chính vì vậy, việc củng cố và mở rộng số người bị nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế sẽ đảm bảo việc duy trì bền vững chương trình điều trị bằng thuốc ARV. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV cũng như sự bền vững của chương trình. Việc điều trị sẽ lâu dài, tốn kém và suốt đời, do đó bảo hiểm y tế cùng với thuốc ARV thực sự là chìa khóa để người bị HIV/AIDS an tâm điều trị và sống có ích cho xã hội.
 
q
(Cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV từ nguồn BHYT tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng)
Phan Yên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây