TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

https://ksbtdanang.vn


SỔ THEO DÕI SỨC KHỎE BÀ MẸ TRẺ EM - ĐỒNG HÀNH CÙNG BÉ TỪ TRONG BỤNG MẸ ĐẾN 6 TUỔI

Bạn đã biết gì về Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em hay còn gọi là Sổ Mẹ và Bé? Cuốn Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em được thiết kế nhỏ gọn như cuốn sổ tay với bìa màu hồng đáng yêu ít nhiều đã quen thuộc với cộng đồng bà mẹ mang thai tại thành phố Đà Nẵng nhưng đã mấy ai hiểu hết về nó! Vậy cuốn sổ màu hồng ấy có gì đặc biệt?
F Sổ đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng thống nhất toàn quốc, bao gồm cả cơ sở y tế công và tư, thay thế cho tất cả các loại sổ khác như: sổ theo dõi tiêm chủng, số khám thai, sổ khám bệnh trẻ em…
Điều đặc biệt là cuốn sổ được du nhập vào Việt Nam có nguồn gốc từ Nhật Bản, do một người phụ nữ Nhật Bản rất yêu mến trẻ em (Bà Akemi Bando), là cuốn sổ theo dõi sức khỏe duy nhất người Nhật vẫn còn giữ lại sử dụng trong thời đại công nghệ 4.0 vì ý nghĩa nhân văn của nó.
huong dan su dung so theo doi suc khoe ba me tre em 1

F Nội dung Sổ:  Sổ có 98 trang, cấu trúc gồm 04 phần
  1. Tổng quan về Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em
  2. Thông điệp gửi gia đình, gửi cho trẻ
  3. Thông tin về gia đình
  4. Nội dung chính: Chia làm 04 phần
+ Thông tin cơ bản
+ Chăm sóc thai nghén
+ Chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc sơ sinh
+ Chăm sóc sức khỏe trẻ em
Chỉ đọc qua thiết kế nội dung cuốn sổ, ba mẹ cũng đã thấy mọi thông tin từ khi trẻ còn trong bụng mẹ đến khi tròn 6 tuổi đã chứa đủ trong ấy rồi!
Không những chỉ có những thông số sức khỏe, những triệu chứng sức khỏe, bệnh tật khô khan…mà cuốn sổ còn chứa các thông điệp đầy ý nghĩa mà ngành y gửi gắm cho gia đình trẻ cũng như gia đình trẻ gửi gắm cho con yêu từ những năm tháng con còn trong trứng nước, con chập chững vào đời!

F Ai là người ghi chép vào sổ? Đây cũng là 1 điều khác biệt với mọi cuốn sổ ghi chép y tế khác từ trước đến nay!
Là cán bộ Y tế: Ghi vào trang có biểu tượng của nhân viên Y tế (Nhận biết biểu tượng này ở góc trái mỗi trang của Sổ)
 Là Ba, Mẹ, phụ huynh: Ghi vào trang có biểu tượng 03 người của gia đình (Nhận biết biểu tượng này ở góc trái mỗi trang của Sổ). Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn ba mẹ việc này khi cấp phát Sổ.
Chăm sóc y tế chỉ tối ưu khi gia đình cùng phối hợp với thầy thuốc. Trong mỗi chăm sóc cho con sẽ ghi dậm dấu ấn yêu thương của gia đình từ khi con còn chưa nhận thức được, con sẽ thấu hiểu hơn tình yêu gia đình dành cho mình khi lớn lên đọc lại cuốn Sổ này!

F Mục đích sử dụng cuốn Sổ?
 - Cán bộ Y tế
+ Tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em
+ Áp dụng các quy trình hướng dẫn kỹ thuật thiết kế chuẩn, sẵn có dạng bảng kiểm
+ Tham khảo kết quả khám và điểu trị lần trước của bà mẹ và trẻ em khi cung cấp dịch vụ
+ Ghi chép kết quả khám của bà mẹ - trẻ em vào sổ để theo dõi liên tục sức khỏe cho bà mẹ, cho trẻ từ trong bào thai đến khi trẻ tròn 6 tuổi (dù bà mẹ và trẻ có thể khám ở nhiều cơ sở y tế khác nhau)

- Gia đình
+  Đọc thông tin chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
+ Dùng thuốc, thực hiện các hướng dẫn, dặn dò của thầy thuốc sau lần khám
+ Ghi chép kết quả theo dõi vào Sổ cũng như tự theo dõi được sức khỏe mẹ và bé tại nhà, kịp thời phát hiện bất thường để đến cơ sở y tế
+ Ghi các thông điệp gửi cho con yêu sau này…

F Và giá trị nhân văn ẩn chứa trong cuốn Sổ?
Với những nội dung đã phân tích ở trên, dễ dàng nhận thấy:
- Sổ là nhật ký sức khỏe của một con người từ khi thành hình trong bào thai đến khi tròn 6 tuổi (từ 6 tuổi việc theo dõi sức khỏe sẽ tích hợp vào sổ sức khỏe cá nhân điện tử theo lộ trình số hóa ngành y tế)
- Sổ đã chứa đủ các thông tin từ khám thai, theo dõi trong chuyển dạ, theo dõi sau sinh, tiêm chủng cho mẹ và bé, theo dõi sự phát triển và sức khỏe, bệnh tật của bé… và hoàn toàn thay thế rất nhiều loại sổ đang hiện hành. Mẹ chỉ cần 1 cuốn sổ duy nhất, ít sợ thất lạc, có thể được mang đi bất cứ nơi đâu, theo sát với người mẹ và trẻ như một hồ sơ sức khỏe bất cứ lúc nào cũng có thể tham khảo, tra cứu. Đặc biệt, càng tiện lợi nếu mẹ biết tải và sử dụng Sổ Mẹ và Bé điện tử.
- Trong sổ có đẩy đủ các kiến thức thường thức ba mẹ cần biết: chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh, lịch khám thai, tiêm chủng cho mẹ; biểu đồ theo dõi chiều cao, cân nặng; lịch tiêm chủng; hướng dẫn xử trí các bệnh thông thường, tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ; …

- Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức và chuẩn hóa hoạt động của các nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ công tác tại các trạm y tế…Cuốn sổ có ý nghĩa thiết thực trong việc theo dõi diễn biến, can thiệp và xử trí kịp thời các vấn đề liên quan đến quá trình thai nghén của phụ nữ, hạn chế được các tai biến sản khoa đáng tiếc. Những thông tin trong cuốn sổ cũng là căn cứ khoa học giúp phát hiện được những dấu hiệu bất thường của thai nhi và theo dõi liên tục quá trình phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ. Từ đó cán bộ y tế có thể đưa ra những tư vấn kịp thời và hướng xử trí phù hợp.
Như vậy, không chỉ đơn thuần là một quyển sổ khám bệnh hay sổ khám thai như lâu nay các cơ sở Y tế công hay tư thường sử dụng . Sổ sẽ giúp các mẹ và gia đình biết cách theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mẹ trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ cũng như theo dõi, chăm sóc sức khỏe và sự phát triển của con từ khi sinh ra đến khi tròn 6 tuổi. Phải nhớ luôn mang theo Sổ này khi đi khám thai, sinh đẻ, khi đưa con đi tiêm chủng, khám sức khỏe hoặc đi khám bệnh. Hãy giữ gìn sổ thật cẩn thận vì khó tìm lại một cuốn sổ lưu giữ nhiều giá trị như thế! Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ là món quà có ý nghĩa và trân trọng của cha mẹ, ngành y tế dành tặng cho các con yêu.
Như quyển nhật ký, mẹ có thể dán những tấm hình xinh xinh, ngộ nghĩnh, với những dòng tâm sự hay mong đợi của cha, mẹ về đứa con yêu thương sau chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau… Những thông tin ghi trong sổ này thể hiện sự chăm sóc sức khỏe của gia đình, cán bộ y tế và của xã hội đối với trẻ. Trẻ sẽ biết mình được sinh ra và lớn lên như thế nào trong tình yêu thương, chăm sóc của gia đình và mọi người. Và tình yêu thương chắc chắn sẽ là nền móng tốt nhất, hiệu quả nhất ươm mầm cho một đứa trẻ lớn lên và phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ và nhân cách làm người./.


                                                                                                CN. Phạm Thị Kim Dung
                                                   
(Biên soạn theo tài liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em- Bộ Y tế)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây