Bệnh Sởi có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin

Thứ ba - 02/08/2022 23:38
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 140.000 người đã tử vong do bệnh Sởi năm 2018 trên toàn thế giới. Những ca tử vong này xảy ra khi số lượng ca mắc Sởi gia tăng trên toàn cầu, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tàn khốc ở tất cả các khu vực.
sởi

Hầu hết các trường hợp tử vong do Sởi xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất bị nhiễm Sởi, với các biến chứng tiềm ẩn bao gồm viêm phổi và viêm não (phù não), cũng như khuyết tật suốt đời do tổn thương não vĩnh viễn, mù hoặc mất thính giác.
Tình hình bệnh Sởi trong thời gian gần đây:
Năm 2012, các nước trên thế giới đã thông qua mục tiêu toàn cầu nhằm tiến tới loại trừ bệnh Sởi trước năm 2020 và đã triển khai rất nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là tiêm vắc xin Sởi phòng bệnh cho trẻ em từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, đến năm 2017, Sởi vẫn còn ghi nhận tại 118 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vào năm 2017. Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2018, dịch Sởi đã bùng phát tại một số địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới. 
Vào năm 2018, có tổng cộng 353.236 trường hợp mắc Sởi được báo cáo cho WHO. Năm 2019, tính đến giữa tháng 11, đã có hơn 413.000 trường hợp được báo cáo trên toàn cầu, với 250.000 trường hợp mắc được báo cáo thông qua hệ thống quốc gia.
Năm 2018, Việt Nam ghi nhận 7.585 ca nghi Sởi/Rubella, trong đó có 3.529 ca được lấy mẫu bệnh phẩm và 1.794 ca dương tính với sởi, tăng gấp 8,4 lần so với số mắc Sởi của cả năm 2017 (214 ca). Tỷ lệ mẫu huyết thanh dương tính với Sởi năm 2018 là 50,8%, tăng cao so với năm 2017 (14%). Riêng trong 3 tuần đầu tháng 1/2019, theo báo cáo ban đầu của các địa phương, tiếp tục ghi nhận 2.441 ca nghi Sởi/Rubella.
Bệnh Sởi có thể dự phòng
Bệnh Sởi có thể phòng được một cách hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin Sởi. Trong giai đoạn 2000-2016, vắc xin Sởi đã ngăn ngừa được khoảng 20,4 triệu trường hợp tử vong do Sởi trên pham vi toàn thế giới, giảm khoảng 84% so với năm 2000.
Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vắc xin Sởi dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin phối hợp (Sởi-Rubella hoặc Sởi-Quai bị-Rubella). Hầu hết các vắc xin được trình bày dưới dạng vắc xin đông khô đi kèm với dung môi. Cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin Sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng. Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi rút Sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon. Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với Sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
Để chủ động phòng bệnh Sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: 
-  Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin Sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin Sởi đến Trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng Sởi.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh Sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm Sởi từ bệnh viện. 
- Bệnh Sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc Sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
                                       Anh Thơ (Theo https://vncdc.gov.vn/http://www.tiemchungmorong.vn/)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây