NHÂN THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON, HIỂU THÊM VỀ BỆNH LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON VÀ CÁCH DỰ PHÒNG!

Thứ sáu - 25/06/2021 04:26
Y học đã ghi nhận rất nhiều bệnh lây truyền khi từ mẹ sang con, tùy vào tác nhân gây bệnh, những bệnh này ngoài hậu quả cho mẹ còn gây ra nhiều kết cục xấu cho thai nhi, góp phần gia tăng gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội. Bệnh lây từ mẹ sang con có thể qua nhiều con đường: đường máu qua trao đổi máu mẹ-con trong khi mang thai, lây nhiễm trực tiếp qua dịch tiết và máu mẹ khi chuyển dạ hoặc lây qua sữa mẹ, tiếp xúc trực tiếp trong thời kỳ cho con bú. Nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi của các nhà khoa học đã đem lại cho chúng ta con đường dự phòng hiệu quả một số bệnh lây truyền từ mẹ sang con, mở ra cơ hội cho các bà mẹ mắc bệnh sinh ra được những em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng tiếp cận được những hiểu biết và can thiệp hiệu quả đó.
NHÂN THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON, HIỂU THÊM VỀ BỆNH LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON VÀ CÁCH DỰ PHÒNG!
      Từ năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã xây dựng Khung kế hoạch loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền mẹ từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030 đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên trên cơ sở khung kế hoạch khu vực, căn cứ điều kiện cụ thể của từng nước để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm tiến tới loại trừ 3 bệnh kể trên vào năm 2030 nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững cũng như mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về sức khỏe Phụ nữ, Trẻ em và Vị thành niên giai đoạn 2016-2030.
      Tại Việt Nam, với khoảng 2 triệu phụ nữ có thai/năm, nếu không có bất cứ can thiệp nào, các con số được ước tính là 74.000 trẻ nhiễm HBV, 240 - 420 trẻ sinh ra mắc giang mai bẩm sinh và 1100 - 1500 trẻ sinh ra nhiễm HIV trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
      Bộ Y tế Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030” với mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030. Năm 2020, Thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm mục tiêu này. Nếu chỉ có ngành y tế hành động, đích đến sẽ còn xa và chưa biết đến bao giờ! Việc loại trừ lây truyền các bệnh từ mẹ sang con để sản sinh những thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh cần sự chung tay của các ngành, các cấp, các đoàn thể, các gia đình và toàn xã hội.
     Công thức đơn giản nhất để dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con có thể tóm tắt như sau:
      - Với người mẹ đã biết tình trạng nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai từ trước có thai: Cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và tăng cường thể lực, theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như bệnh lý của mình, điều trị triệt để (bệnh giang mai) hoặc điều trị tích cực khống chế tải lượng virut thấp dưới ngưỡng (bệnh viêm gan B và HIV) để hạn chế lây truyền cho con trước khi lên kế hoạch có thai. Trong quá trình mang thai, cần tiếp tục điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa đồng thời khám, theo dõi thai tại các cơ sở chuyên khoa sản. Người mẹ sẽ được tư vấn lựa chọn nơi sinh con thích hợp, sẵn có các can thiệp dự phòng.
    - Với người mẹ chưa biết tình trạng nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai trước khi có thai: Khuyến cáo người mẹ nên xét nghiệm sàng lọc càng sớm càng tốt cả 03 bệnh trên trong 03 tháng đầu thai kỳ (trong 01 lần xét nghiệm máu). Trường hợp cần thiết, xét nghiệm lại vào tháng cuối thai kỳ hoặc thời điểm chuyển dạ. Tùy kết quả xét nghiệm, thầy thuốc sẽ hướng dẫn khám thai và các can thiệp, điều trị đúng lúc, thích hợp và đầy đủ nhằm đạt hiệu quả tối ưu giảm lây truyền bệnh từ mẹ sang con. Các bà mẹ phải biết rằng: phát hiện sớm, điều trị và can thiệp đúng thời điểm, đầy đủ, phù hợp sẽ làm giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con từ 90% xuống còn dưới 2% với bệnh HIV, giảm đến 90% lây truyền sang con từ mẹ bị viêm gan B và giảm tối đa trẻ mắc giang mai bẩm sinh.
     Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021 diễn ra trên địa bàn thành phố từ ngày 01/6/2021 đến 30/6/2021 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” là một phần trong Kế hoạch hành động loại trừ các bệnh lây truyền từ mẹ sang con.           
     Các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con chi tiết như sau:
     - Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
     - Dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ tuổi sinh đẻ: Nếu phụ nữ mang thai không bị nhiễm HIV thì không thể truyền HIV cho con của họ được.
       + Để tránh lây truyền HIV, nam và nữ trong tuổi sinh đẻ (tuổi từ 15 - 49): không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; chung thuỷ 1 vợ, 1 chồng. Không quan hệ tình dục với nhiều người; sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
       + Nam, nữ trong tuổi sinh đẻ hãy đến phòng khám tư vấn hoặc các cơ sở y tế để tìm hiểu các thông tin liên quan đến sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, phòng chống HIV và phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
     - Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV
      + Giảm số lượng phụ nữ nhiễm HIV có thai ngoài ý muốn sẽ làm giảm số trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
     + Phụ nữ nhiễm HIV hãy cùng chồng/bạn tình đến phòng tư vấn sức khoẻ, trạm y tế hoặc các cơ sở sản khoa để được tư vấn và tự quyết định về các vấn đề sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn và kế hoạch hoá gia đình; tư vấn và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; giới thiệu chuyển đến cơ sở chăm sóc, điều trị và hỗ trợ thích hợp.
     - Can thiệp cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai
      + Tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để được khám thai và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.
      + Nếu phụ nữ vẫn muốn sinh con thì họ sẽ được: tư vấn và chăm sóc thai nghén; xét nghiệm và dùng thuốc kháng vi rút (ARV) vào thời điểm thích hợp; sinh đẻ an toàn; tư vấn cho cả hai vợ chồng lựa chọn cách nuôi trẻ phù hợp.
     - Các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau khỉ sinh
      + Trẻ mới sinh được uống thuốc kháng vi rút để phòng sự lây truyền HIV từ mẹ.
      + Dự phòng và điều trị các nhiễm trùng cơ hội khác. Tư vấn chăm sóc dinh dưỡng và hỗ trợ tinh thần người mẹ.
      + Chồng hoặc bạn tình đều được tư vấn, xét nghiệm, giới thiệu cơ sở chăm sóc điều trị thích hợp.
     - Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa thay thế sữa mẹ. Trường hợp không đủ điều kiện nuôi sữa thay thế, có thể cho trẻ bú mẹ với điều kiện mẹ tiếp tục tuân thủ thuốc điều trị HIV và chuẩn bị để cai sữa cho trẻ càng sớm càng tốt, tốt nhất trước 6 tháng tuổi. Không đồng thời cho trẻ bú mẹ và bú sữa thay thế. Sau khi cai sữa, tuyệt đối không quay lại cho trẻ bú mẹ. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần tiếp tục theo dõi tại Phòng khám ngoại trú nhi để xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm HIV.
     Sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không mắc bệnh là niềm mong ước lớn lao, chính đáng của tất cả các bậc làm cha mẹ. Những tiến bộ của khoa học ngày càng cho chúng ta nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu to lớn ấy. Hiểu biết đầy đủ, nhận thức đúng và hành động ngay từ bây giờ để biến ước mơ thành sự thật các bậc cha mẹ nhé!
Khoa Sức khỏe sinh sản - CDC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây