6 2 banner2 1

Phòng chống dịch COVID-19 NHÂN VIÊN Y TẾ CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ MỘT CÁCH TỐT NHẤT

Thứ tư - 25/03/2020 03:48
Hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm bệnh, có người đã ngã xuống như một sự hy sinh tất yếu trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là dịch bệnh COVID-19. Nhưng không vì thế mà họ - những người chiến sĩ - bác sĩ nao núng trước “kẻ thù” bệnh tật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm bệnh, có người đã ngã xuống như một sự hy sinh tất yếu trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là dịch bệnh COVID-19. Nhưng không vì thế mà họ - những người chiến sĩ - bác sĩ nao núng trước “kẻ thù” bệnh tật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Hàng nghìn bác sĩ nhiễm COVID-19
     Theo nhận định của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, dịch bệnh COVID-19 đã mất 67 ngày từ lúc phát hiện ca đầu tiên để chạm mốc 100.000 ca nhiễm, 11 ngày để tới mốc 100.000 ca thứ hai nhưng chỉ có 4 ngày đã chạm tới mốc 100.000 ca thứ ba. “Đại dịch rõ ràng đang tăng tốc”,  ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
     Theo thống kê của Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS), đến nay có hơn 4.800 nhân viên y tế tại Italy nhiễm bệnh khi chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, chiếm khoảng 8% số ca nhiễm COVID-19 ở Italy. Có ít nhất 22  người trong số này đã chết, phần lớn họ qua đời ở vùng Lombardy - tâm dịch của Italy. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hồi đầu tháng 3,  Trung Quốc đã ghi nhận 3.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh và 13 người đã tử vong vì COVID-19. Họ xứng đáng là những người anh hùng, những chiến sĩ giữa thời bình gánh trên vai niềm tin và hy vọng của người dân.

Bác sĩ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao
     Nếu ví bác sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bệnh thì trang thiết bị y tế như thuốc men, dụng cụ cấp cứu, đồ bảo hộ chính là “vũ khí” để chống lại kẻ thù. Tuy nhiên khi số ca bệnh tăng vọt, việc thiếu thiết bị y tế phòng hộ là thực trạng chung mà ngành y tế nhiều quốc gia đang phải đối mặt, ngay cả ở quốc gia phát triển như Mỹ .
     Nguy cơ lây nhiễm thì nhiều, nhưng lại không có đầy đủ các trang thiết bị đầy đủ, dẫn đến khả năng bác sĩ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Chính vì vậy, Viện Y tế Quốc gia Italy đã yêu cầu phải có các biện pháp khẩn cấp bảo vệ nhân viên y tế, họ sẽ được ưu tiên xét nghiệm và kiểm tra trước, bởi nếu không chính y bác sĩ sẽ là nguồn lây bệnh cho những bệnh nhân khác.
     Tại Việt Nam, một điều không mong muốn cũng đã xảy ra: bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 116 là một bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương; trước đó là 2 điều dưỡng Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh hưởng của COVID-19 lên thầy thuốc rất nghiêm trọng, bởi nếu có thêm ca nhiễm, thêm người bị cách ly, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn bởi thầy thuốc lúc này đang phải làm nhiệm vụ quan trọng là chữa bệnh. Nếu bác sĩ bị cách ly, bệnh viện bị đóng cửa, bệnh nhân sẽ khó khăn hơn.
 
sd

Cần ưu tiên bảo vệ cho nhân viên y tế (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Làm gì để bảo vệ nhân viên y tế?
     Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, nếu muốn thắng được cuộc chiến này, phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe của các chiến sĩ áo choàng trắng - những nhân viên y tế tuyến đầu. “Nếu chúng ta không bảo vệ họ, rất nhiều người sẽ chết vì bệnh dịch bởi những người có thể cứu người giờ đây cũng đổ bệnh”.
     Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, sở y tế hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung, cân nhắc thay đổi hình thức giao ban, hạn chế số lượng người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa phòng để chuyển sang làm việc trực tuyến, đồng thời yêu cầu khoảng cách giữa các giường bệnh đảm bảo 2m trở lên và tăng cường đặt hẹn khám bệnh để giảm số người chờ khám.
     Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã có hướng dẫn gửi các bệnh viện, yêu cầu khi khám và điều trị cho bệnh nhân cần điều trị dài ngày thì căn cứ vào tình hình thực tế, trong thời điểm chống dịch kê đơn thuốc không quá 3 tháng cho bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải cung cấp số điện thoại để người bệnh có thể liên hệ ngay khi cần, bệnh viện cũng phải dự trữ đủ thuốc men, đặc biệt lưu ý các thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, trang bị đủ trang phục chống dịch, đồ bảo hộ cá nhân cho thầy thuốc.
    Các bệnh viện cần rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, kiểm tra lại việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ khi khám chữa bệnh... Nơi nào làm chưa đúng cần phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm túc, để tránh những hậu quả không mong muốn. Tất cả các cơ sở y tế cần phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của ngành y tế để thầy thuốc không bị lây nhiễm, để chúng ta có đủ sức lực, có đủ niềm tin để chiến đấu với dịch bệnh và chiến thắng dịch bệnh./.
Ths. Nguyễn Hữu Quý
(Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây