6 2 banner2 1

Phòng ngừa đuối nước ở trẻ em

Thứ hai - 09/05/2022 04:47
Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Đuối nước là tình trạng suy hô hấp do bị chìm trong môi trường lỏng. Nó có thể không tử vong (trước đây gọi là gần chết đuối) hoặc tử vong. Đuối nước gây ra tình trạng thiếu oxy, có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm cả phổi và não.
Đuối nước thường xảy ra ở bể bơi, bồn nước nóng, và các vùng nước tự nhiên, hoặc trong nhà vệ sinh, bồn tắm, xô nước… Sau đây là các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em:
1. Học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước
  • Học bơi theo trường lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn.
  • Trẻ biết bơi khi trẻ bơi được 25m liên tục và tự làm nổi ít nhất 90 giây.
Học kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi đang bơi như: Khi bị chuột rút, khi bị người đuối nước bám víu vào bạn; khi bị bơi vào vùng xoáy; khi bơi ở vùng nước mạnh, nguy hiểm.
phong ngua duoi nuoc

2. Thực hiện đúng các quy định an toàn khi bơi (tại bể bơi và tại bãi tắm công cộng)
  • Chỉ bơi khi có người lớn giám sát và cho phép.
  • Chỉ bơi ở những nơi an toàn được quy định.
  • Chỉ tắm, bơi tại các bể bơi quy định.
  • Không bơi một mình.
  • Không bơi ngay sau khi ăn.
  • Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
  • Không bơi khi quá nóng hoặc mệt.
  • Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước.
  • Không bơi ngay khi người có nhiều mồ hôi hoặc khi vừa đi ngoài nắng về.
  • Tuyệt đối tuân thủ theo các bảng chỉ dẫn và cảnh báo.
  • Lên bờ ngay khi trời tối hoặc có sấm chớp và mưa.
3. Các kỹ năng cần nhớ trước khi tham gia vui chơi tại môi trường nước
  • Học cách sử dụng áo phao, các dụng cụ nổi trước khi sử dụng tại môi trường nước.
  • Kiểm tra thời tiết trước khi tham gia vui chơi dưới nước.
  • Trước khi bơi thuyền cần đảm bảo có áo phao và vật dụng nổi.
  • Kiểm tra thông tin có liên quan đến các nguy hiểm, rủi ro tại địa điểm các em có dự định tham gia các hoạt động dưới nước.
  • Học các dấu hiệu biển báo ở gần sông, hồ, biển
4. Thực hiện quy định an toàn tại các bến đò, bến tàu
  • Mặc áo phao, sử dụng các trang thiết bị nổi đúng quy định. Không nên mặc áo phao bơm hơi.
  • Chỉ lên tàu, xuồng… khi có đủ chỗ ngồi cho mình.
  • Không chen lấn xô đẩy khi lên xuống tàu, xuồng.
  • Ngồi tại chố của mình trật tự, nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ theo quy định an toàn trên tàu (không thò tay, chân, đầu ra ngoài cửa sổ, không nghịch các thiết bị trên tàu).
  • Ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối…, vào mùa mưa, lũ, các bậc phụ huynh nên đưa con em mình đi học.
5. Thực hiện quy định an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tại gia đình
  • Làm hàng rào, biển cấm quanh ao, hồ nước, rãnh nước quanh nhà, làm cổng, cửa chắn (đặc biệt là khi nhà ở gần sông, hồ…).
  • Luôn đậy giếng, bể, lu chứa nước… bằng các nắp đậy an toàn (nắp đậy làm bằng vật liệu cứng trẻ dẫm lên không lọt và gẫy).
  • Luôn có người lớn giám sát trẻ.
6. Kỹ năng tự cứu mình khi gặp nguy hiểm
Kêu cứu thật to; Bình tĩnh thả lỏng để làm nổi người lên, khi đầu đã nổi hít một hơi dài; Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.
7. Kỹ năng cứu bạn khi bạn mình bị đuối nước
Gọi thật to báo cho bất cứ người lớn nào ở gần; Vứt dây, phao hoặc đưa sào dài để bạn tóm lấy và kéo bạn lên bờ; Không nhảy xuống nước để cứu bạn.
                                                                                       Anh Thơ
                                                   (Theo tài liệu của Bộ lao động và thương binh xã hội)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây