Nhận thức và thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Thứ tư - 29/05/2024 23:59
Đảng ta xác định phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là công việc cấp bách và phải được tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, suy thoái về tư tưởng chính trị không phải chung chung trừu tượng mà được thể hiện thông qua các biểu hiện cụ thể. Trước hết là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; là dao động, thiếu lý tưởng cách mạng; là nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị và lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; trong tự phê bình và phê bình không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật, trong phê bình nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; là nói trong hội nghị thì khác, nói ngoài hội nghị thì khác; là duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu học tập, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác; là tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác; là tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
Quan niệm Hồ Chí Minh về “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ


Theo Hồ Chí Minh, biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống: (1) Trong xử lý mối quan hệ lợi ích với dân là nghĩ về mình trước, mình là số 1, ích kỷ cá nhân, cho mình là trời là trung tâm của vũ trụ, coi dân không ra gì; vác mặt quan cách mạng; mọi cái làm theo ý mình. (2) Trong quan hệ lãnh đạo, quản lý là độc quyền, độc đoán, chuyên quyền, chỉ tay năm ngón, mệnh lệnh; chủ quan trong công tác, kể cả công tác cán bộ như sử dụng bà con, cánh hẩu, dìm người không ăn cánh, không phải bà con, từ đó dẫn đến bỏ rơi những người thực sự tài năng; tạo tâm lý chán nản thiếu động lực phấn đấu, thui cột người tài cả trong Đảng và ngoài Đảng. (3) Trong quan hệ trên dưới, đối với cấp trên thì nịnh hót, nói để lấy lòng, tâng bốc, nói không thật lòng; đối với cấp dưới thì ra oai, dùng uy quyền, đặc biệt trong phê bình không công bằng, không toàn diện, xúc phạm làm cán bộ mất niềm tin không ngóc đầu dậy được. (4) Trong thái độ đối với kỷ luật của Đảng là xa rời kỷ luật đảng, tự mình tạo cho mình một cơ chế, đặc lợi riêng, trên nói dưới không nghe, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác. (5) Suy thoái đạo đức, lối sống còn biểu hiện bởi sự chây lười, ngại học tập, không cầu tiến bộ; tự thỏa mãn, khi chưa có chức gì thì lớp nào cũng xin được đi học, có chức rồi thì không chịu đi học, từ đó tri thức ngày càng lạc hậu, dẫn đến sai lầm trong nhận thức trong công tác.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sự nhận diện của Đảng ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã vạch rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành trung ương Đảng nêu rõ: “Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”.
Đối với Ngành kiểm tra Đảng của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm được xác định thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đổi mới, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng, công tác kiểm tra, giám sát bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến mới, góp phần tích cực giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng bộ, chính quyền thành phố.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ngành kiểm tra Đảng của Đảng bộ thành phố xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá như sau:
 (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy cũng như của tất cả tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra
 (2) Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát
 (3) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra
 (4) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Trong nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ và hàng năm, Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát với tinh thần kiên trì, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”; xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng./.
Nguyễn Hữu Quý
(Nguồn: https://dukccq.danang.gov.vn/)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây