Cũng như nhiều địa phương khác, tại Đà Nẵng dịch bệnh Tay chân miệng hiện đang bước vào mùa. Theo hệ thống giám sát dịch bệnh thành phố, từ 24/4 đến 01/5/2022 toàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận 105 ca mắc Tay chân miệng, chiếm 48,6% tổng số ca mắc Tay chân miệng tính từ đầu năm (215 ca mắc). Trong đó, số trẻ em dưới 5 tuổi là 210 ca, chiếm 97,7%, các ca mắc xuất hiện hầu hết ở 7 quận, huyện nhưng tăng cao ở quận Liên Chiểu (55 ca), Hòa Vang (41 ca) và Ngũ Hành Sơn (37 ca)…
Trước tình hình diễn biến của bệnh Tay chân miệng, Sở Y tế thành phố Đà nẵng đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch tại địa phương; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để truyền tải thông tin, thông điệp, các biện pháp phòng chống đến người dân. Tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các biến chứng nặng và tử vong liên quan đến bệnh Tay chân miệng. Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành có liên cùng phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Tay chân miệng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, mẫu giáo. Yêu cầu các cơ sở giáo dục cần trang bị đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng để người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng. Chỉ đạo tổ chức làm sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học, bề mặt bàn, ghế, đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục và thông báo ngay với y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Đồng thời, đề nghị sự phối hợp của các UBND quận huyện trong việc chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh Tay chân miệng tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục mẫu giáo,mầm non trên địa bàn về tính chất nguy hiểm và cách phòng chống dịch bệnh tay chân miệng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh này ở trẻ em. Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh Tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng. Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. - Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. - Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. - Tránh ôm hôn, dùng chung áo quần, đồ dùng cá nhân, đồ chơi với trẻ nhiễm bệnh. - Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học. - Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho. - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. - Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hoặc sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời. ThanhBình (Tổng hợp)
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...