TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

https://ksbtdanang.vn


Sáng 6/1: Không còn ca COVID-19 nặng nào phải thở máy; biến thể phụ XBB đã lây lan ở khoảng 70 quốc gia

Đến nay cả nước không còn bệnh nhân COVID-19 nặng nào phải thở máy; TP HCM chưa phát hiện biến thể phụ XBB.1.5; Đến nay, biến thể phụ XBB của Omicron đã lây lan ở khoảng 70 quốc gia. Bộ Y tế yêu cầu theo dõi chặt tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới.

Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19

Bộ Y tế cho biết ngày 5/1 có 80 ca mắc COVID-19 mới, gấp gần 3 lần số khỏi bệnh. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới ở nước ta thấp dưới 100 ca/ ngày và cũng là ngày thứ 5 liên tiếp không ghi nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong tính từ đầu năm 2023.

Tính từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.571 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.475 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.611.423 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 18 ca, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 16 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca. Như vậy tính đến ngày 5/1, không còn bệnh nhân COVID-19 nặng nào phải thở máy.

picture1

Bộ Y tế yêu cầu đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai các hoạt động tăng cường tiêm cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục theo Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT.

Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

TP HCM chưa phát hiện biến thể phụ XBB.1.5; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP HCM diễn ra chiều 5/1, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM dự báo thời gian tới, do sự gia tăng giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi.  
TP HCM sẽ tiếp tục tăng cường giám sát ở các cửa khẩu với các vùng quốc gia, lãnh thổ đang có dịch COVID-19; tăng cường truyền thông ở các cửa khẩu để hành khách tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Việt Nam. Tại cộng đồng, tất cả hệ thống giám sát dịch vẫn đang được duy trì gồm giám sát các ca bệnh hô hấp, hệ thống giám sát biến chủng mới…

Trước đó, sáng 5/1, Sở Y tế TP HCM thông tin Qua hệ thống giám sát tại bệnh viện và cộng đồng, TP HCM đã phát hiện 6 mẫu bệnh phẩm COVID-19 nhiễm biến thể XBB. Tuy nhiên, theo kết quả thì biến thể chiếm ưu thế hiện nay tại TP HCM là biến thể BA.2.75. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP HCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5 .

Theo các chuyên gia, biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Các chuyên gia nhấn mạnh các vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có khả năng bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng XBB.

Long Vương
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây