Mang thai là kết quả của việc duy trì nòi giống một cách tự nhiên. Chuẩn bị trước mang thai là việc làm cần thiết để con sinh ra được phát triển toàn diện.
Tuy nhiên không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể chuẩn bị tốt ở giai đoạn khởi đầu này, cần có sự chuẩn bị trước khi mang thai thật tốt để sinh em bé thuận lợi và khỏe mạnh. Bởi đó là tiền đề quan trọng đảm bảo ngay từ khi sinh ra, con bạn đủ sức vượt qua những nguy cơ của quy luật tự nhiên. Bạn cần chuẩn bị về mọi mặt từ vật chất cho đến tinh thần và đặc biệt là sức khỏe.
Tại sao cần phải chuẩn bị trước khi mang thai?
Mang thai và sinh nở là một bước ngoặc quan trọng của đời người, cuộc sống gia đình bạn sẽ dần thay đổi ngay từ khi sinh linh nhỏ bé chỉ còn là một bào thai đến khi bé sinh ra thì mọi thứ dường như đảo lộn. Rất nhiều bạn trẻ đang quen với cuộc sống tự do tự tại, thoải mái không kịp thích ứng khi con xuất hiện, thậm chí nhiều cô gái bị “sốc” khi bế trên tay một sinh linh nhỏ bé mà không biết mình phải làm gì.
Nguyên nhân chính là do phần lớn cha mẹ đều chưa có sự chuẩn bị về mọi mặt nhất là tâm lý. Vì vậy, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng mang thai là bước đệm để vợ chồng hạnh phúc khi chào đón đứa trẻ chào đời.
Có nhiều yếu tố khiến em bé sinh ra không được khỏe mạnh, trong đó có những ảnh hưởng từ trước khi mang thai mà bạn có thể kiểm soát được như:
- Quan hệ tình dục không lành mạnh, mang thai khi đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục hoặc khi đang mắc bệnh mà không được khám, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị.
- Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng trước mang thai chưa đầy đủ, không hợp lý, tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hai… Đặc biệt không làm kiểm tra sàng lọc trước và trong khi mang thai.
- Nếu có sự chuẩn bị kỹ càng trước mang thai thì hy vọng gia đình bạn sẽ đón nhận thành viên mới một cách hoàn hảo và hạnh phúc. Bạn có thể chuẩn bị những gi trước mang thai?
1. Chuẩn bị tài chính
2. Khám sức khỏe tiền sản
Sức khỏe trước khi mang thai cũng quyết định rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi sau này. Khám sức khỏe tiền sản là khám cho cả vợ và chồng phát hiện ra những bất thường trong cơ thể để khắc phục kịp thời, hay các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.
Khám phụ khoa định kỳ( 6-12 tháng/ lần) để phát hiện các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị thích hợp.
Khám nội khoa định kỳ để tầm soát các bệnh mãn tính( tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bênh tuyến giáp, bệnh thận mãn tính,…), các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao cho mẹ và thai nhi( viêm gan siêu vi, sốt rét, lao,…) để quyết định thời điểm sinh con, điều trị phù hợp với thai kỳ tránh ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai. Sổ giun định kỳ.
Khám phát hiện bệnh răng miệng, bệnh trĩ để can thiệp triệt để trước lúc có thai.
3. Tiêm phòng trước khi mang thai
Phụ nữ khi mang thai, hệ thống miễm dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường, vì vậy nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng. Vậy nên việc tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi những nguy cơ mắc một số bệnh ảnh hưởng đến mẹ và bé trong lúc mang thai, sinh nở và cho con bú.
Những loại vắc xin tiêm phòng trước khi mang thai
+ Rubella hoặc mũi tổng hợ Sởi- Quai bị- Rubella: Cần tiêm 3 tháng trước khi mang thai. Nguy hiểm nếu mẹ bị nhiễm Rubelle trong 3 tháng đầu hoặc cuối thai kỳ có thể gây sẩy thai, sinh non, dị tật thai
+ Thủy đậu: Mũi này cần tiêm muộn nhất là 2 tháng trước khi mang thai. Khoảng 2% em bé có mẹ mắc bệnh thủy đậu trong 5 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật về hình thể, liệt chi.
+ Cúm: Mẹ mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể có nguy cơ gây dị tật thai.
+ Viêm gan B: mẹ mắc viêm gan B có thể lây truyền cho con trong lúc mang thai, sinh đẻ, cho con bú.
+ Uốn ván: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng uốn ván theo quy định của Bộ Y tế.
4. Bỏ rượu, thuốc lá, chất kích thích
Nếu hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện, cả vợ và chồng nên từ bỏ ngay khi có ý định mang thai. Việc sử dụng thuốc lá và ma túy có thể dẫn đến sinh non, sẩy thai và bé sinh nhẹ cân…Với người chồng nếu hút thuốc lá, số lượng, chất lượng tinh trùng sẽ yếu và thấp ảnh hưởng nhiều đến khả năng thụ thai.
5. Tăng cường sức khỏe
Tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm căng thẳng, giúp kiểm soát cân nặng tốt trước khi mang thai.
Ăn uống lành mạnh: Không nên lạm dụng đồ ăn nhanh, các chất cay, nóng, chất kích thích… Nên dùng những thực phẩm giàu dưỡng chất, bổ dưỡng.
Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe.
Sử dụng muối Iode hằng ngày, người chồng bổ sung thêm thực phẩm giàu kẽm và Vitamin E để tinh trùng khỏe mạnh, người vợ bổ sung Vitamin tổng hợp trước khi mang thai ít nhất 01 tháng, trong đó không thể thiếu Axit Folic giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
6. Tránh xa các nguồn lây nhiễm
Không nên tiếp xúc với mèo, chó, thú nuôi có bọ chét nhằm tránh lây nhiễm Toxoplasma gây sẩy thai, thai chết lưu, bất thường thai
Hạn chế ở môi trường độc hại: Nếu bạn bị nhiễm chất phóng xạ hoặc hóa chất độc hại thì sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Tìm hiểu về thời gian rụng trứng để giao hợp khi quyết định mang thai, tìm hiểu các dấu hiệu thai nghén sớm để phát hiện và chọn cơ sở y tế để theo dõi, chăm sóc thai nghén.
Trên đây là những kiến thức về chuẩn bị trước khi mang thai dành cho các cặp vợ chồng đang có ý định có con. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn! Kim Dung