Toàn cảnh buổi gặp mặt
Tham dự buổi gặp mặt có PGS. TS. Phan Thị Thu Hương và TS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, bà Marie-Odile Emond –Trưởng đại diện UNAIDS tại Việt Nam; Tiến Sỹ John Blandford, Giám Đốc CDC tại Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS và đại diện các tổ chức Quốc tế đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS: WHO, UNODC, PEPFAR, USAID, SAMHSA, FHI, HAIVN, AHF, PATH…
Thay mặt cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS điểm lại 10 thành tựu quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2018:
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành: Luật phòng, chống HIV/AIDS đang sửa đổi và xin được ban hành năm 2019; Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2018 trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và Thông tư số 15/2013/TT-BYT ngày 24 tháng 5 năm 2013 hướng dẫn bảo đảm chất lượng thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV giúp người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ. Ngoài ra, 03 Thông tư và 07 Quyết định chuyên môn kỹ thuật mới được ban hành
Điều trị Methadone tiếp tục được Chính phủ và các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư, số lượng BN tiếp tục gia tăng, dù chưa đạt được chỉ tiêu TTgCP giao; 2018 là năm đánh dấu 10 năm triển khai Methadone tại Việt Nam.
Đa dạng hóa các mô hình dự phòng như: Điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphin với 7 tỉnh miền núi sẽ được triển khai năm 2019; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP sau 1,5 năm triển khai thí điểm đã đạt được hơn 2.000 bệnh nhân và đến năm 2019 sẽ có 11 tỉnh tham gia triển khai.
Điều trị HIV/AIDS đạt được những kết quả mong đợi: năm 2018 có hơn 130.000 bệnh nhân điều trị ARV; 385/432 cơ sở đã được kiện toàn, có thể sử dụng BHYT thời gian tới; Tỷ lệ BN điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên 89% vào cuối năm 2018;
Công tác thanh quyết toán qua Bảo hiểm y tế đã và đang triển khai có hiệu quả. 186/188 cơ sở điều trị ARV đã hoàn thành thủ tục ký hợp đồng với Bảo hiểm y tế để cung cấp ARV qua BHYT, hai cơ sở còn lại đang đợi phê duyệt.
Hoạt động giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cơ sở y tế được triển khai mạnh mẽ với việc ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 26/12/2017 về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế; Hàng loạt các Hội thảo, tập huấn về công tác này được triển khai tại 63 tỉnh/thành phố.
Công tác mua sắm đấu thầu tập trung thuốc ARV giúp giảm chi phí so với những năm trước đây. Đến thời điểm hiện tại, 188 cơ sở điều trị ARV đều có sẵn thuốc. Công tác PC HIV/AIDS tiếp tục nhận được sự hỗ trợ to lớn, quý báu (cả về kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật và động viên tinh thần) của các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và các ban ngành, đoàn thể…;
Cũng tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng được nghe đại diện các tổ chức quốc tế chia sẻ kết quả hoạt động hợp tác trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2018. Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương khẳng định ngoài 10 thành tựu được nêu ra thì Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khác. Các thành tựu trên có một phần đóng góp hết sức quan trọng của các tổ chức quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Nhân dịp này, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương đã gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các cá nhân đã đang và sẽ làm việc cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Mong rằng các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa và hỗ trợ nhiều hơn nữa với Chính phủ Việt Nam trong năm tiếp theo để đạt được mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”.
Nguồn tin: vaac.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn