6 2 banner2 1

Bộ Y tế phát động Phong trào thi đua: "NGÀNH Y TẾ CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19"

Thứ bảy - 21/03/2020 01:49
Bộ Y tế vừa có công văn số 1435/BYT-TT-KT ngày 20/3/2020 về việc phát động Phong trào thi đua "Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19" nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
     Bộ Y tế vừa có công văn số 1435/BYT-TT-KT ngày 20/3/2020 về việc phát động Phong trào thi đua "Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19" nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

     Bộ Y tế cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với toàn đất nước ta nói chung và ngành y tế nói riêng; giai đoạn này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa, sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa mới có thể khống chế dịch bệnh.
     Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về COVID-19, Bộ Y tế đã phát động đợt thi đua đặc biệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong toàn ngành y tế/
     Theo đó, huy động toàn bộ lực lượng trong ngành y tế, y tế Nhà nước, Y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”. Chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát.
     Đối với các đơn vị thuộc khối dự phòng: chủ động điều tra dịch tễ, bám sát địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm; phát hiện các trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc gần; điều tra dịch tễ các trường hợp nhiễm, trường hợp nghi ngờ; tiến hành giám sát, khoanh vùng gọn và dập dịch kịp thời.
     Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trên địa bàn trong việc cách ly các trường hợp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương và tỉnh, thành phố; phát huy các sáng kiến trong giám sát phát hiện và phòng chống dịch. Tập hợp các lực lượng, thành lập các đội phản ứng nhanh trong công tác phòng chống dịch.
     Đối với các đơn vị thuộc khối khám, chữa bệnh: hệ thống khám chữa bệnh trung ương tới cơ sở chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và điều trị bệnh nhân theo các hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến của Bộ Y tế. Luôn nêu cao cảnh giác đối với các trường hợp nghi ngờ, thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
     Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định, quy trình về điều trị, phòng lây nhiễm chéo trong điều trị. Tập hợp các chuyên gia, những bác sỹ có nhiều kinh nghiệm không kể nhà nước, tư nhân, về hưu hay đương chức trong việc điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19 tại địa phương; trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm điều trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và cách ly tại các cơ sở y tế khi điều trị bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng.
     Cán bộ y tế cơ sở, cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu, mạng lưới cán bộ làm công tác dân số tại các địa phương sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi chính quyền địa phương phân công, kêu gọi. Tổ chức việc quản lý, rà soát tất cả các trường hợp người cao tuổi, người mắc bệnh lý mãn tính, các bệnh không lây nhiễm thực hiện việc chăm sóc sức khỏe tại nhà. Rà từng ngõ, gõ từng nhà, ưu tiên lập hồ sơ sức khỏe cho người lớn tuổi và các thành viên trong gia đình.
     Thực hiện việc điều trị chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền, thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính tại nhà ít nhất trong hai tháng và theo dõi sức khỏe thường xuyên cho các đối tượng này. Quan tâm chăm sóc các đối tượng yếu thế trong xã hội theo phương châm không một ai bị bỏ lại phía sau.
     Các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành y, dược; các Viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, các thầy cô giáo và các em sinh viên ngành y dược, tăng cường tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh; về chăm sóc bệnh nhân, về giám sát, xét nghiệm phát hiện, về các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Sẵn sàng tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi được phân công.
     Bộ Y tế kêu gọi Tổng hội Y học Việt Nam và các tổ chức thành viên, công đoàn y tế Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng cùng đoàn kết, cùng hành động vì mục đích cao cả là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngành y thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, không quản ngại khó khăn, vất vả, thiệt thòi trong chăm sóc sức khỏe người bệnh, không phân biệt đối xử với người nhiễm COVID-19.
     Các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế trong quá trình triển khai phong trào thi đua, kịp thời phát hiện các tấm gương sáng, những điển hình tốt trong công tác phòng, chống dịch để nhân rộng với quan điểm: mỗi hành động nhỏ là sức mạnh lớn tạo không khí thi đua sôi nổi, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Kịp thời tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tấm gương tiêu biểu trong phòng chống dịch bệnh.
Ths. Hữu Quý
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây