Tăng cường truyền thông phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ tư - 23/07/2025 04:49
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay cả nước đã xuất hiện trên 514 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi tại 28/34 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc, chết và tiêu hủy trên 30.000 con. Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) chưa qua 21 ngày.
Nguy cơ dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn, nguồn cung thực phẩm và môi trường. Dịch tả lợn châu Phi tuy không lây sang người và không gây bệnh cho con người, nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và môi trường. Khi dịch bùng phát, hàng chục nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người chăn nuôi, gây thiếu hụt nguồn cung thực phẩm và làm giá cả thị trường biến động.
Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng tạo ra tâm lý lo lắng trong cộng đồng
Không chỉ vậy, dịch bệnh còn tạo ra tâm lý lo lắng trong cộng đồng. Nhiều người dân vì thiếu thông tin chính xác đã hoang mang, né tránh sử dụng thịt lợn, kể cả các sản phẩm đã qua kiểm dịch, làm ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng và an toàn thực phẩm chung. Việc tiêu hủy lợn bệnh nếu không bảo đảm vệ sinh có thể gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí tại các khu vực chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các bệnh khác, tác động gián tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Trước tình hình trên, Sở Y tế Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường kiểm tra hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm từ lợn; kịp thời thông tin về các ổ dịch mới để ngành y tế chủ động phối hợp truyền thông và xử lý môi trường. Đặc biệt, công tác xử lý môi trường tại các điểm tiêu hủy lợn bệnh cần được giám sát nghiêm ngặt nhằm hạn chế ô nhiễm không khí, nguồn nước và bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân. Về phía ngành Y tế, Sở Y tế TP yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở và các bệnh viện trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với nhiều hình thức như website, fanpage; truyền thông lồng ghép trong khám chữa bệnh để khuyến cáo người dân không hoang mang, sử dụng sản phẩm thịt lợn có kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn chết hoặc thịt không rõ nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp ngành nông nghiệp và môi trường trong tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thói quen ăn chín, uống chín, vệ sinh tay và dụng cụ chế biến thực phẩm. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần tăng cường thông tin kịp thời về tình hình dịch và các khuyến cáo sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền qua thực phẩm. Khi có yêu cầu, các đơn vị y tế phải sẵn sàng phối hợp tham gia khử khuẩn môi trường, đặc biệt tại các khu vực tiêu hủy lợn bệnh, nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường ô nhiễm./.