6 2 banner2 1

BIẾN CHỨNG SUY THẬN Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Thứ năm - 03/06/2021 03:15
Bệnh Tiểu đường nếu không được điều trị sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng… Trong đó, Tiểu đường biến chứng suy thận là một trong những biến chứng dễ mắc phải. Việc phòng ngừa và phát hiện sớm biến chứng suy thận ở những bệnh nhân tiểu đường có ý nghĩa quan trọng, giúp ngăn chặn nhiều hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho người bệnh.
Triệu chứng của bệnh Tiểu đường biến chứng suy thận
     Ở giai đoạn đầu, biến chứng suy thận ở những người mắc bệnh tiểu đường không đặc hiệu. Các triệu chứng bao gồm:
     - Phù: Bệnh nhân có thể sẽ bị phù rất to, phù toàn thân, da trắng nhạt do mức lọc cầu thận bị giảm gây ứ nước và muối trong cơ thể.
     - Thiếu máu: Khi thận không sản xuất đủ Eythropoietin – hormone tạo hồng cầu từ mô dòng hồng cầu trong tủy xương sẽ gây ra hiện tượng thiếu máu, điều này khiến người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…
     - Khó thở: Người bệnh sẽ có cảm giác khó thở do bị ứ dịch tại phổi hoặc thiếu máu làm thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy.
     - Buồn nôn và nôn, ngứa ở da: Chức năng thận bị suy giảm dẫn đến tích tụ nồng độ cao chất thải trong máu.
     - Chán ăn: Nồng độ ure trong máu cao khiến người bệnh mất đi cảm giác ngon miệng và hơi thở có mùi.
 
0306212

     Khi bệnh ngày càng tiến triển nặng thêm, nồng độ protein trong máu quá thấp bị lọt ra ngoài nước tiểu dẫn tới không thể giữ dịch trong lòng mạch máu. Bệnh nhân sẽ xuất hiện hội chứng thận hư và có thể tiến triển thành suy thận nặng. Bệnh nhân có thể bị phù rất to toàn thân, xuất hiện cổ trướng, tràn dịch màng phổi và màng tim. Để xử trí người bệnh cần phải được đẩy bớt chất độc ra ngoài bằng cách lọc máu.

Phòng ngừa biến chứng suy thận ở bệnh nhân tiểu đường
     - Kiểm soát đường huyết: Là điều quan trọng đầu tiên cần làm đối với bệnh nhân tiểu đường. Điều trị Insulin theo quy ước bằng cách tiêm 3,4 lần/ngày có thể làm giảm nguy cơ bệnh thận ở người bị tuýp 1. Bệnh nhân tiểu đường đã có biến chứng suy thận sẽ khó ổn định đường huyết hơn so với người không có biến chứng.
     - Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao làm tăng áp lực cho tim, ảnh hưởng đến thành mạch máu, dễ dẫn đến các bệnh tim mạch như: đau tim, đột quỵ và các biến chứng thận nặng hơn.
     - Chế độ ăn kiêng phù hợp: Cần kiểm soát lượng đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày; thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm muối <2.4g/ngày; ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên rán, các loại thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn; không uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích…
     - Tăng cường hoạt động thể chất: Người bệnh cần tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục hàng ngày. Bệnh nhân nên kiểm soát cân nặng, những người thừa cân, béo phì cần giảm cân với BMI <25 kg/m2.
     - Quản lý tốt căng thẳng (stress): Người bệnh cần cân bằng cuộc sống, không để bản thân bị stress về cuộc sống hay công việc, luôn giữ cho tinh thần thoải mái, làm chủ cảm xúc của mình để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.
     - Kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm định kỳ: Bệnh nhân tiểu đường và bệnh thận mạn giai đoạn 1-2 cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận 6 tháng/lần. Đối với bệnh nhân tiểu đường và suy thận mạn giai đoạn 3-5 là 3 tháng/lần.
     Để phòng ngừa biến chứng suy thận ở bệnh nhân tiểu đường một cách hiệu quả, cần tuân thủ lịch khám định kỳ và chủ động thực hiện các xét nghiệm sàng lọc suy thận sớm, có biện pháp can thiệp ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường.
Nguyễn Huy
(Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây