Cấp cứu trường hợp chảy máu mũi cấp nặng do tăng huyết áp
Thứ sáu - 12/07/2024 03:45
Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng vừa cấp cứu thành công kịp thời một trường hợp mất máu cấp nặng, vỡ mạch máu mũi do Tăng huyết áp.
Bệnh nhân P.N.H. 64 tuổi đến khoa Cấp cứu – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng vì chảy máu mũi phải đột ngột với lượng nhiều. Được biết bệnh nhân có tiền sử Tăng huyết áp đang điều trị nhưng không kiểm tra thường xuyên. Bệnh nhân cho biết, trước nhập viện một ngày có triệu chứng đau đầu vùng đỉnh chẩm và chảy máu mũi phải nhưng tự cầm sau 15 phút nên không đến bệnh viện, do nghĩ là chảy máu cam đơn thuần. Trước lúc nhập viện một giờ đồng hồ, bệnh nhân đau đầu, chóng mặt nhiều kèm chảy máu mũi phải thành dòng ra cửa mũi trước và thành sau họng.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng với tình trạng tỉnh táo, kích thích, dấu hiệu sinh tồn: Mạch: 120, Huyết áp: 190/120 mmHg, SpO2: 98%, máu mũi liên tục chảy ra mũi phải rồi tràn sang mũi trái, kèm tình trạng nôn ói. Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí hạ huyết áp theo phác đồ xử trí Tăng huyết áp cấp cứu, đồng thời được các bác sĩ cầm máu cấp cứu. Sau 30 phút cầm máu bằng nhét meche mũi trước và meche mũi sau, tình trạng chảy máu đã được cải thiện nhiều nhưng không dừng hẳn, huyết áp về mức 150/90 mmHg, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu để cầm máu.
Qua nội soi, phát hiện một động mạch nhánh, thuộc hệ thống động mạch bướm khẩu cái, đang vỡ và chảy máu tươi liên tục. Các bác sĩ tiến hành đông mô để cầm máu bằng dao Coblator (sử dụng sóng cao tần) kết hợp với Bipolar. Sau năm phút điểm chảy máu được nút mạch và bệnh nhân đã hết chảy máu hoàn toàn. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại phòng bệnh nội trú và được xuất viện sau hai ngày điều trị. Cảnh giác chảy máu mũi do Tăng huyết áp
Chảy máu mũi là một trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp thường gặp nhất. Thông thường chảy máu mũi được phân ra làm chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Có nhiều nguyên nhân gây ra chảy máu mũi, bao gồm nguyên nhân tại chỗ và nguyên nhân toàn thân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân toàn thân thường gặp nhất gây chảy máu mũi mức độ nặng. Cầm máu mũi nội soi có sử dụng công nghệ đông mô bằng sóng cao tần (dao Coblator) giúp cầm máu ngay cả những trường hợp đang tiến triển nặng rất hiệu quả và không cần phải nhét vật liệu mũi giúp giảm đau đớn cho người bệnh. Song song với cầm máu mũi thì việc kiểm soát huyết áp ổn định cũng là điểm mấu chốt để điều trị thành công.
Để dự phòng chảy máu mũi cấp ở người bệnh Tăng huyết áp, bác sĩ khuyến cáo người bệnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát huyết áp, sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Trong trường hợp có các dấu hiệu bất thường như: đau đầu, chóng mặt, chảy máu mũi,… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...