TÍCH CỰC PHÒNG NGỪA VÀ GIẢM THIỂU THƯƠNG VONG DO CHÁY NỔ
Thứ tư - 07/04/2021 04:25
Cháy nổ là một trong những tai nạn kinh hoàng nhất, mối hiểm họa để lại hậu quả nặng nề nhất, thương tâm nhất cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Nhiều gia đình phải hứng chịu nỗi đau mất mát về người thân và tài sản mà hệ lụy của nó về sau khó lòng khắc phục.
Từ đầu năm 2021 đến nay, liên tiếp những vụ cháy thương tâm xảy ra trong các khu vực dân cư làm thiệt mạng nhiều người, trong đó đặc biệt là trong khoảng thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy lớn làm thiệt hại hầu như tất cả các thành viên trong các gia đình.
Cụ thể, vào ngày 25/3, một nhà dân Quận 8, TP. Hồ Chí Minh bốc cháy. Cả gia đình gồm 3 thành viên đều thiệt mạng. Theo người dân xung quanh, ngọn lửa bùng phát từ phía trước căn nhà, bên ngoài là cửa sắt, bên trong là cửa kính nên người dân không thể vào được để cứu. Tiếp đến, vào rạng sáng ngày 30/3, một vụ hỏa hoạn đã bất ngờ xảy ra tại một căn nhà cấp 4, rộng 60m2 ở Phường Cát Lái, TP. Thủ Đức đã khiến 6 người trong cùng 1 gia đình thiệt mạng, chỉ 1 người may mắn thoát chết. Lực lượng chức năng và người dân đã nhanh chóng có mặt, dập lửa cứu người. Tuy nhiên, căn nhà lại xây bịt kín chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất, lại bị chặn bởi 5 chiếc xe máy nên lực lượng chức năng buộc phải đục nhiều lỗ trên tường mới tiếp cận và khống chế được đám cháy. Và tiếp theo đó vào 1h sáng ngày 4/4, một vụ hoả hoạn xảy ra tại ngôi nhà số 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, khiến 4 người tử vong trong cùng 1 gia đình, trong đó có một phụ nữ mang thai.
Có thể thấy các vụ cháy xảy ra trên nhiều địa phương trong cả nước diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ ngày càng gia tăng chính là do ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế và bất cập. Qua tình hình thực tế cho thấy, các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, lúc mọi người không chú ý nên khi hỏa hoạn thì không biết hoặc cháy lớn mới biết. Lúc đó, người trong nhà không bình tĩnh, hoảng loạn. Thêm nữa, các gia đình thường chỉ có 1 cửa ra vào, đêm thì lại khóa nhiều lớp cửa. Thực trạng này đang đặt ra thách thức về công tác phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, nhất là trong mùa nắng nóng. Biện pháp phòng chống cháy nổ (PCCN)
Để bảo đảm an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, người dân cần chú ý: 1. Không lưu trữ số lượng lớn các chất dễ gây cháy nổ trong nhà
- Không tồn trữ các chất dễ bắt cháy nổ nguy hiểm với số lượng lớn như xăng dầu, bình ga mini,... Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
Những hộ gia đình buôn bán vải vóc, quần áo, chăn màn,... cần phải đặt tránh nguồn nhiệt, nguồn lửa, có khoảng cách nhất định giữa các sản phẩm để có đường thoát nạn. 2. Lắp đặt hệ thống điện đúng cách, đúng kỹ thuật:
Phải lắp thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, Aptomat...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao,... Nên có cầu dao tự động hoặc các thiết bị bảo vệ điện nếu xảy ra sự cố có thể tự động ngắt nguồn điện, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. 3. Thường xuyên kiểm tra gas và các thiết bị điện trong nhà
Sau khi sử dụng gas xong cần khóa van bình, khóa van bếp để tránh rò rỉ khí gas. Nếu ngửi thấy mùi khí gas cần dừng mọi hoạt động, không bật công tắc điện, không sử dụng lửa, mở mọi cửa thông thoáng. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Các thiết bị điện như lò sưởi, bếp điện cần chú ý tắt nguồn sau khi không sử dụng, đồng thời tránh xa các vật dễ cháy, dễ bắt điện, bắt nhiệt. 4. Trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy:
Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra và dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy. Trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn.
Các biện pháp xử trí khi xảy ra cháy nổ 1. Khi phát hiện đám cháy
- Thông báo, hô hoán cho mọi người biết về vụ cháy.
- Nhanh chóng ngắt điện; tìm cách khóa van bình ga (nếu có thể).
- Không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.
- Sử dụng các vật dụng để chữa cháy (bình chữa cháy, dùng xô chậu múc nước, chăn thấm nước... ) và báo ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy theo đường dây nóng 114. 2. Khi bị bắt lửa vào quần áo
- Bình tĩnh, không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
- Nằm nhanh xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường; không lấy tay dập lửa; không được nhảy ngay vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước nếu không chắc chắn đó là nơi an toàn vì nước có thể bị nấu sôi do lửa tác động.
- Một tay che miệng, một tay che mắt, mũi và cuộn tròn cho tới khi tắt lửa. 3. Khi thấy người khác bị cháy
- Trấn an giúp người đó không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
- Dùng chăn đã tẩm nước hoặc dùng các bình bột, chữa cháy, nước để dập tắt lửa. Đưa người bị cháy đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe. 4. Cách thoát nạn đám cháy
- Bình tĩnh tìm lối thoát nạn an toàn cho bản thân và gia đình. Tìm phương tiện thoát nạn như thang, dây thoát hiểm để xuống, tấm rèm xé dọc, quần áo gió buộc lại...
- Khi di chuyển trong khu vực có nhiều khói phải cúi thấp người (đôi khi phải bò trên sàn) để khỏi bị ngạt.
- Nếu phải băng qua lửa thì ngoài việc dùng khăn, áo, chăn thấm nước ướt che miệng, mũi; hoặc trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần, áo gây bỏng da.
- Kiểm tra nhiệt độ trước khi mở cửa thoát ra ngoài (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.
- Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi còn ở trong phòng nếu thấy có khói lùa vào hãy dùng vải, giẻ ướt chèn kỹ các khe hở không cho khói tràn vào phòng. Gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114) để thông báo vị trí cụ thể của mình.
- Trong quá trình thoát nạn đám cháy trong nhà cao tầng, nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc mở cửa sổ, rồi từ ban công hoặc cửa sổ hãy hô to hoặc vẫy khăn (có thể đùng đèn flash của điện thoại di động khi trời tối) cho mọi người biết; tuyệt đối không dùng thang máy vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bị kẹt trong đó. Người bị nạn tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống sẽ rất nguy hiểm. Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Khi đã thoát ra ngoài tuyệt đối không được quay lại.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...