Hội nghị Giao ban y tế ở các cơ quan, doanh nghiệp về công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động năm 2024
Thứ năm - 19/12/2024 00:36
Sáng ngày 17/12/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC) tổ chức Hội nghị Giao ban y tế ở các cơ quan, doanh nghiệp về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động năm 2024. Hội nghị cũng triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và phổ biến cập nhật một số văn bản pháp quy mới về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
BS CKI. Thân Văn Chín - Phó Giám đốc CDC phát biểu khai mạc Hội nghị
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo của CDC, khoa phòng phụ trách chuyên môn và hơn 80 cán bộ chuyên trách y tế lao động tuyến quận, huyện và cán bộ y tế, cán bộ phụ trách công tác y tế tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, CDC đang quản lý 432 cơ sở lao động, trong đó số cơ sở có yếu tổ nguy hại, nguy hiểm là 200 cơ sở (chiếm 46,3%). Số cơ sở có yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp là 138 cơ sở (chiếm 32%). Số người làm việc tại các cơ sở lao động là hơn 83.300 người, trong đó số người lao động trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố có hại, nguy hiểm là hơn 47.500 người. Trong số 432 cơ sở lao động thì có 222 cơ sở lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, tăng 80 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023. Số cơ sở có yếu tố nguy hại, nguy hiểm lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh lao động là 144/200 cơ sở.
BS CKI. Dương Ấm Mậu - Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp báo cáo tại Hội nghị
Theo đánh giá của CDC, nhìn chung người sử dụng lao động đều có nhận thức cao về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp từng bước được thay đổi và nâng cao. Có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật đối với việc chăm sóc sức khỏe người lao động như thực hiện đo quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại, có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp,... Trong năm 2025, CDC sẽ phối hợp giám sát, tăng cường quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các tuyến nhằm nâng cao năng lực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp,... Công tác quản lý vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động trong những năm qua có nhiều thuận lợi do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời tạo điều kiện cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện. Có sự quan tâm của chính quyền các cấp khi triển khai Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp,... Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định như một số chủ cơ sở lao động vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức về đảm bảo an toàn lao động cho người lao động, chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật,... Tại Hội nghị, các cán bộ tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc thực hiện công tác công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời tại Hội nghị này, các cán bộ tham dự cũng được triển khai một số nội dung mới phục vụ cho hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người lao động tại các cơ quan doanh nghiệp. Công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động là những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng công việc cho người lao động. Các chính sách như bảo đảm môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn, quản lý chất thải, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp,... sẽ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn góp phần nâng cao năng suất và giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...