Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai

Thứ sáu - 27/12/2024 05:16
Đó là Thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024.
Thư ky LHQ
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh:  UN Photo/Mark Garten)  
 
“COVID-19 là một lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới. Hàng triệu sinh mạng đã mất, nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn và cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại bị đảo lộn.
Cuộc khủng hoảng có thể đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm sâu sắc vẫn còn đó: thế giới vẫn thiếu sự chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Các đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg...vẫn xảy ra là lời nhắc nhở rõ ràng rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia.
Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm nay, tôi kêu gọi các quốc gia hãy thực sự rút ra bài học từ các đại dịch trước đây và các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong quá khứ để chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo.
Để làm được điều này, cần xây dựng hệ thống y tế công cộng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu vững mạnh và thực hiện cam kết về bao phủ y tế toàn dân. Điều này có nghĩa là cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào công tác giám sát, phát hiện và ứng phó với đại dịch và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với công cụ thiết yếu là vắc-xin, sinh phẩm chẩn đoán và thuốc điều trị.
Quan trọng nhất, chúng ta cần đoàn kết toàn cầu. Tôi kêu gọi các quốc gia cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn, để ngăn ngừa và kiểm soát các đại dịch trong tương lai.
Không chỉ hôm nay, mà trong từng ngày, hãy cam kết cùng nhau hành động vì một thế giới an toàn và khỏe mạnh cho mọi người, ở mọi nơi”.
Ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này do Việt Nam đề xuất. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hàng năm. Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp: “Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai”.
Thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024
- Toàn dân, toàn xã hội cùng tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
- Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa;
- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội;
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm;
- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi ở, nơi sinh hoạt và làm việc để ngăn ngừa các mầm bệnh truyền nhiễm phát triển;
- Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để dự phòng bệnh truyền nhiễm lây lan và hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến nặng, tử vong;
- Quan hệ tình dục an toàn để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện thường xuyên để tăng cường sức đề kháng;
- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;
- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể bảo vệ sức khỏe;
- Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh khi điều trị bệnh;
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời;
- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.
- Để phòng bệnh sởi, hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ và đúng lịch.
- Vắc xin sởi là vắc xin an toàn, thường chỉ có phản ứng nhẹ sau tiêm như sốt, nổi ban; sẽ tự khỏi sau vài ngày.
- Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu có biểu hiện khác thường như sốt cao > 39 độ C, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú kém, bỏ bú sau khi tiêm chủng.
- Khi bị chó, mèo cắn cần xử lý vết thương đúng cách và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, hướng dẫn tiêm phòng dại.
- Khi bị chó, mèo cắn; tuyệt đối không tự chữa trị, không nhờ thầy lang chữa bệnh./.
                                                                                                    Thanh Trà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây