Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3: Tăng cường hoạt động thể chất để tránh béo phì

Thứ ba - 04/03/2025 03:57
Ngày 4/3 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới phòng chống béo phì, qua đó phát động nhiều chương trình và chiến dịch kêu gọi toàn cầu cùng chia sẻ kiến thức, vận động và nhìn nhận béo phì từ mọi góc nhìn khác nhau để có cách tiếp cận phù hợp nhằm giảm tỷ lệ béo phì và giải quyết các vấn đề liên quan đến béo phì.
Thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ vượt quá mức bình thường trong cơ thể. Béo phì được xác định dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI, tính cân nặng (đơn vị kilogram) chia cho bình phương của chiều cao (đơn vị mét). Trong đó, chỉ số BMI từ 25,0 – 29,9 được phân loại vào tình trạng thừa cân, từ 30,0 trở lên được xếp vào tình trạng béo phì.  
 
BMI
Béo phì được xác định dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI
 
Tình hình Thừa cân-Béo phì tại Việt Nam và trên thế giới?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ béo phì chung trên toàn thế giới đã tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 1975 và đã tăng gần gấp 5 lần ở trẻ em và trẻ vị thành niên trong khoảng thời gian này. Số liệu năm 2022 của WHO cho thấy: Toàn thế giới có 2,5 tỉ người lớn bị thừa cân, trong đó 890 triệu người bị béo phì; hơn 390 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-19 tuổi bị thừa cân trong đó có 160 triệu em bị béo phì.
Khảo sát năm học 2023-2024 ở 3005 học sinh tại 15 trường Trung học cơ sở thành phố Đà Nẵng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (TTKSBT) thực hiện trong khuôn khổ Dự án thành phố thân thiện với trẻ em – Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2026 cho thấy tỉ lệ thừa cân – béo phì chung của học sinh THCS là 33,5%, trong đó tỉ lệ thừa cân là 21,7%, tỉ lệ béo phì là 11,8%.
Theo nghiên cứu của Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng về thưc trạng Thừa cân-Béo phì ở trẻ 2-11 tuổi đến khám dinh dưỡng tại bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng năm 2023, kết quả cho thấy tỷ lệ Thừa cân-Béo phì là 16,3% trong đó tỷ lệ béo phì là 5,8%, thừa cân là 10,5%.
Béo phì kéo theo những hệ lụy về y tế cộng đồng, kinh tế và an sinh xã hội nói chung. Không chỉ gây nhiều khó khăn cho chính người bệnh, béo phì còn tạo ra gánh nặng đáng kể cho các hệ thống y tế bởi có hàng loạt bệnh đi kèm như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2. Béo phì là tiền đề cho nhiều bệnh mãn tính đi theo cả cuộc đời con người, thậm chí làm gia tăng nguy cơ tử vong vì các chứng bệnh như huyết áp, mỡ máu tăng, dễ bị đau tim và đột quỵ, là yếu tố nguy cơ dẫn tới một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư ruột…
Đáng lo ngại, nhiều trẻ em bị phán xét và miệt thị do thừa cân và béo phì trong cuộc sống hằng ngày, làm tổn thương sức khỏe tâm thần và tổn thương lòng tự trọng vốn có thể ảnh hưởng đến trong nhân cách của các em khi trưởng thành.
Công tác chăm sóc sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian qua được TP. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Hàng năm, ngành Y tế tích cực phối hợp với ngành Giáo dục triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, qua đó kịp thời phát hiện những trẻ có nguy cơ béo phì hoặc suy dinh dưỡng, giúp nhà trường và gia đình đưa ra kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phù hợp và toàn diện hơn trong năm học.  Việc phối hợp trong công tác tổ chức cân, đo, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ được các trạm Y tế phối hợp với các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn. Đồng thời triển khai trong các đợt uống bổ sung vitamin A và tiêm chủng cho trẻ. Kết quả kiểm tra sức khỏe được cán bộ Trạm Y tế và cán bộ y tế trường học cùng giáo viên phụ trách lớp ghi chép cụ thể trong sổ theo dõi sức khỏe, chấm biểu đồ phân loại sức khỏe trẻ. Trường hợp trẻ phát hiện mắc bệnh thì nhà trường sẽ tư vấn cho phụ huynh để có biện pháp điều trị tốt nhất.
 
Ngày TG PC Béo phì

Thừa cân, béo phì có thể để lại những hậu quả nặng nề 
– Đái tháo đường: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đưởng type 2.
– Bệnh tim mạch:  tăng nguy cơ mắc các bệnh đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim
– Bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến viêm gan và xơ gan.
– Rối loạn hô hấp trong khi ngủ tăng nguy cơ ngưng thở trong lúc ngủ.
– Dễ mắc các bệnh xương khớp như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống.
– Rối loạn tâm lý gây ra trầm cảm, lo âu và tự ti.
– Tăng nguy cơ ung thư: Bệnh béo phì liên kết với nhiều loại ung thư như ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư đại tràng và ung thư gan.
Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tăng cường hoạt động thể chất
Thừa cân và béo phì, cũng như các bệnh không lây nhiễm liên quan, phần lớn có thể phòng ngừa và kiểm soát được bằng các biện pháp sau:
– Đảm bảo tăng cân phù hợp trong thai kỳ.
– Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh và tiếp tục cho con bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
– Hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và thực phẩm giàu năng lượng.
– Thực hiện lối sống lành mạnh như chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp.
Hoạt động thể chất dù nhỏ cũng mang lại nhiều lợi ích giúp tiêu hao đáng kể năng lượng của cơ thể, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Theo Tổ chức y tế thế giới, người lớn cần tham gia các hoạt động thể chất ít nhất 2,5 giờ/tuần. Đối với trẻ em, thời lượng thích hợp là tối thiểu 1 tiếng/ngày./.
                                                                                                 Phước Bình (tổng hợp)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây