Bộ Y tế phát động đợt cao điểm chống thuốc giả, sữa giả và thực phẩm chức năng dỏm

Thứ hai - 19/05/2025 21:31
Bộ Y tế không chỉ yêu cầu triển khai đợt cao điểm trong thời gian ngắn mà còn nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo trước đó như: Công điện 40/CĐ-TTg về xử lý sữa giả; Công điện 41/CĐ-TTg về thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; Công điện 55/CĐ-TTg về tăng cường phối hợp xử lý nghiêm vi phạm.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến thuốc giả, sữa giả và thực phẩm chức năng kém chất lượng. Những sản phẩm này không chỉ trôi nổi ngoài thị trường mà còn len lỏi vào các kênh phân phối chính thống, với hình thức tinh vi, mẫu mã bắt mắt và quảng cáo thổi phồng công dụng. Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe, thậm chí là tính mạng người dân, đặc biệt đối với trẻ em, người già và bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
 
hàng giả

Trước tình hình đó, ngày 17/5/2025, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3005/BYT-QLD gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu triển khai quyết liệt đợt cao điểm toàn quốc về phòng, chống hàng giả trong lĩnh vực y tế. Đây là hành động cấp thiết nhằm thực hiện nghiêm túc Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương, quyết liệt nhằm chấn chỉnh và lập lại trật tự trong lĩnh vực y tế.

Mở đợt cao điểm toàn quốc từ 15/5 đến 15/6/2025

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025, các địa phương trên cả nước đồng loạt ra quân, tập trung kiểm tra, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nhóm sản phẩm y tế.
Chiến dịch lần này tập trung vào 5 nhóm sản phẩm trọng điểm:
  • Thuốc (kể cả thuốc dược liệu)
  • Mỹ phẩm
  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe
  • Thiết bị y tế
  • Hóa chất diệt khuẩn, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả triển khai về Bộ trước ngày 20/6/2025 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
Đồng bộ chỉ đạo, phối hợp liên ngành
Đáng chú ý, Bộ Y tế không chỉ yêu cầu triển khai đợt cao điểm trong thời gian ngắn mà còn nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo trước đó như: Công điện 40/CĐ-TTg về xử lý sữa giả; Công điện 41/CĐ-TTg về thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; Công điện 55/CĐ-TTg về tăng cường phối hợp xử lý nghiêm vi phạm
Theo đó, các địa phương phải tăng cường phối hợp giữa các lực lượng như công an, quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389, ngành y tế… để điều tra, triệt phá các đường dây làm giả có tổ chức; đồng thời tiếp nhận và xử lý nhanh các tố giác tội phạm từ người dân và cơ sở y tế. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chú trọng truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm y tế.
Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Công văn 3005 là yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết không quảng cáo sai lệch hoặc phóng đại công dụng sản phẩm.
Bộ Y tế nhấn mạnh, mọi hành vi quảng cáo gian dối khi chưa có đủ căn cứ khoa học, pháp lý đều sẽ bị xử lý nghiêm minh. Người vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả trong trường hợp quảng cáo qua mạng xã hội, nền tảng trực tuyến.
Đồng thời, các địa phương được yêu cầu tăng cường kỷ luật công vụ, chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ y tế và quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, bao che, dung túng trong quá trình cấp phép, kiểm duyệt sản phẩm. Bộ cũng đề nghị tăng cường kiểm tra đột xuất về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị liên quan.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện
Bộ Y tế khẳng định rõ: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế giả trên địa bàn.
Đây là bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ và ngành y tế trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, thiết lập lại trật tự thị trường dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe – lĩnh vực vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.
Khôi phục niềm tin người dân vào chất lượng sản phẩm y tế
Đợt cao điểm này không chỉ là giải pháp tức thời, mà còn là lời cảnh báo mạnh mẽ với các cá nhân, tổ chức đang tiếp tay cho hàng giả. Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và quyết liệt từ trung ương đến địa phương, chiến dịch được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống y tế và cơ quan quản lý./.
                                                                                     Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây