Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người

Thứ ba - 08/01/2019 01:51
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người với nhiều tác nhân như do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng ...

Trong những năm gần đây do sự biến đổi phức tạp của môi trường, các dịch bệnh mới liên quan đến lây truyền từ động vật sang người đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Theo số liệu thống kê, hiện có trên 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người. Những bệnh nguy hiểm tồn tại từ nhiều năm trước đến nay vẫn đang đe dọa tính mạng con người như cúm gia cầm, bệnh dại, cúm lợn, giun xoắn, viêm não Nhật Bản... Trong thời gian gần đây cũng xuất hiện một số bệnh mới như viêm não do virus Nipal, bệnh SARS... Đây là những bệnh lây lan trực tiếp từ động vật sang người qua môi trường tiếp xúc, qua véc tơ, qua đường ăn uống.  
 
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế  cho biết, trên 70% dịch bệnh trên người được xác định có nguồn gốc từ động vật và nhiều dịch bệnh nếu không có trên động vật sẽ không có trên người, như bệnh dại. Các bệnh bệnh mới nổi, đặc biệt là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, bất ổn về an ninh chính trị của mỗi quốc gia trên toàn cầu.
 
Việt Nam cũng không nằm ngoài sự lây lan của dịch bệnh từ động vật sang người, thậm chí chúng ta còn được xem là “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật lây sang người và gây thành đại dịch như SARS, cúm A/H5N1. Đặc biệt gần đây, sự gia tăng các trường hợp mắc liên cầu lợn, sán lá gan… tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này.
 
Con đường lây lan dịch bệnh từ động vật sang người xảy ra ở nước ta chủ yếu là do thói quen và tập quán của không ít người. Đã có nhiều bệnh nhân bị tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn, bệnh than hay cúm gia cầm H5N1 là do sở thích, thói quen ăn tiết canh, giết mổ hay ăn thịt động vật, gia cầm ốm chết. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại kém cũng là nguyên nhân gia tăng sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang người. Mặt khác, việc đảm bảo an toàn thực phẩm những chế phẩm từ động vật, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, giết mổ còn rất hạn chế, yếu kém cũng đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây lan sang người.
 
Tại nhiều địa phương, ở các cơ sở sản xuất giống gia cầm, mọi người, mọi thành phần đều tham gia sản xuất con giống một cách thiếu quy hoạch; việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm giống đối với các cơ sở này do đó chưa được thường xuyên; việc thiếu giống đã dẫn đến tình trạng người dân tự sản xuất con giống hoặc tự mua giống trôi nổi trên thị trường để chăn nuôi. Nguồn giống này thường không bảo đảm chất lượng, không an toàn; đây chính là hiểm họa lây nhiễm dịch bệnh.
 
Thường chỉ có những trang trại, gia trại lớn mới quan tâm đến chất lượng giống và khép kín quy trình sản xuất, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không mấy quan tâm đến vấn đề này. Điều này khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát bởi dịch bệnh thường bùng phát và lây lan ở phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, thiếu sự chăm sóc, quản lý từ cơ quan chuyên môn.
 
Bên cạnh đó, thực trạng tỉ lệ tiêm phòng định kỳ tại các hộ chăn nuôi gia trại và nhỏ lẻ đạt thấp đã kéo dài từ nhiều năm nay do người chăn nuôi chưa phát huy tinh thần tự giác trong công tác phòng dịch. Thường thì chỉ có ở những trang trại lớn hoặc cơ sở chăn nuôi liên kết mới chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi; còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại thì chỉ khi không may xảy ra dịch mới nháo nhào gọi thú y về tiêm để được... hưởng hỗ trợ. Cùng với tỉ lệ tiêm phòng chưa cao, việc mua bán gia súc, gia cầm ở chợ còn diễn ra khá đơn giản cũng là lỗ hổng trong việc kiểm soát dịch bệnh.
 
Riêng đối với gia cầm, do chưa có khu vực giết mổ gia cầm tập trung nên nhiều chủ hộ nhập gà, vịt từ khắp nơi về nhốt chuồng, giết mổ công khai rồi bán luôn tại nhà hoặc đưa hàng ra chợ mà không cần dấu kiểm tra. Mặc dù Ban quản lý các chợ đã bố trí riêng khu vực bán gia cầm và động vật sống, song công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn.
 
Để ngăn chặn mối nguy hiểm của dịch bệnh từ động vật lây sang người, đòi hỏi cần có sự phối hợp đa ngành và quan hệ chặt chẽ của hệ thống giám sát, ứng phó dịch bệnh của ngành y tế và ngành nông nghiệp, cũng như thú y, nhằm giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở động vật và trên người để kịp thời ứng phó khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, quan trọng hơn đó là chính mỗi người phải biết tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách từ bỏ những thói quen không tốt, nguy hại cho sức khỏe.
 
Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe quốc gia phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người đưa ra một khung kế hoạch 5 năm nhằm nâng cao năng lực giúp giảm thiểu các tác động đến sức khỏe con người và các tác động khác gây ra bởi bệnh truyền lây giữa động vật và người. Trọng tâm của kế hoạch hướng đến việc phát triển năng lực của các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến tiếp cận một sức khỏe, tập trung các lĩnh vực ưu tiên và các dịch bệnh của quốc gia.

Ba mục tiêu chính kế hoạch là tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận một sức khỏe trong việc phòng ngừa, kiểm soát các bệnh truyền lây giữa động vật và người; đẩy mạnh dự phòng các trường hợp khẩn cấp đối với bệnh có nguồn gốc động vật xuất hiện trên người; vận dụng nguyên tắc một sức khỏe nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe cộng đồng cả các bệnh truyền lây giữa động vật và người hiện nay. Đặc biệt là nâng cao nhận thức cho nhân dân về nguy cơ, sự nguy hiểm của dịch bệnh lây từ động vật sang người trong sản xuất, chế biến, sử dụng thực phẩm phải đảm bảo an toàn. 

Hơn 10 năm qua, với sự giúp đỡ của các Chính phủ và tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện cam kết chính trị của mình đối với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh. Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện, đa ngành giữa Bộ Y tế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan trong những năm qua đã khống chế có hiệu quả dịch cúm gia cầm và cúm ở người, sau đó được mở rộng sang phòng, chống các dịch bệnh khác lây truyền từ động vật sang người như: dại, than, MERS-CoV, Ebola, ... cũng như các vấn đề khác như kháng kháng sinh, bệnh lây truyền từ thực phẩm.
 

Phương Nga

Nguồn tin: hanoicdc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây