6 2 banner2 1

Cộng đồng chung tay phòng chống Sốt xuất huyết

Chủ nhật - 27/01/2019 21:00

Cộng đồng chung tay phòng chống Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) dường như là bệnh “mãn tính” dễ lây, nhiều người biết, nhiều người mắc, tuy nhiên sự quan tâm đến bệnh của người dân vẫn chưa đúng mức. Gần như đến hẹn lại lên, mùa mưa – mùa lý tưởng cho muỗi sinh sôi phát triển thì bệnh SXH cũng tăng cao với hàng ngàn ca mắc. Để phòng chống căn bệnh này hiệu quả, không cách nào khác ngoài sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Trong năm 2018, Đà Nẵng ghi nhận gần 5.000 ca SXH với một số quận có số ca mắc cao là Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu. Mặc dù các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch SXH nhưng tình hình dịch SXH trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp.

Diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh lại chưa được người dân chú ý đúng mức. Trong khi thực tế, đây lại là bệnh muốn đẩy lùi thì phải cần sự góp sức của cả cộng đồng bởi SXH là một bệnh do muỗi truyền. Muỗi có đặc điểm sinh sản trong các dụng cụ chứa nước, phế thải mà hầu hết mọi gia đình đều có. Nơi cư trú của muỗi là ở xung quanh nơi con người sinh sống, nhất là những chỗ tối như: gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách, chăn màn, dây phơi đồ và đồ dùng trong nhà. Muỗi tồn tại xung quanh chúng ta và muốn không còn bệnh SXH thì chúng ta phải diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi và việc này cần sự chung tay của tất cả mọi người.

Hiện nay, bệnh xuất hiện quanh năm, do vậy, SXH đã và đang trở thành vấn đề cấp bách cần sự quan tâm của mọi người. Để công tác phòng, chống SXH đạt hiệu quả cao thì bài toán về vệ sinh nhà cửa, môi trường vẫn phải tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Hãy tự nâng cao ý thức phòng bệnh của mình nhằm bảo vệ chính mình, gia đình mình và cộng đồng bằng cách không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi trú ẩn, đẻ trứng và tìm cách loại bỏ trứng muỗi, diệt bọ gậy, diệt muỗi, phòng chống muỗi đốt. Bên cạnh đó, cần phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt xử lý môi trường, xử lý ổ dịch. Hiện nay đang có một thực tế là nhiều hộ gia đình chưa quan tâm đến việc diệt lăng quăng, diệt muỗi. Một số khác lại có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các đợt phun hóa chất của Ngành Y tế chứ chưa chủ động phòng dịch hoặc không hợp tác trong việc phun thuốc tại hộ gia đình vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc chỉ chờ phun thuốc diệt muỗi mà không diệt bọ gậy hoặc không muốn phun thuốc sẽ dẫn đến hiệu quả phòng chống dịch không cao. Nếu như công tác phòng chống dịch SXH chỉ trông chờ vào ngành y tế thì rất khó đạt kết quả như mong muốn.

Nên chú ý gì để phòng bệnh SXH hiệu quả

Diệt lăng quăng/bọ gậy phải được coi là biện pháp đầu tiên. Ngoài các nơi lăng quăng thường sinh sống như lu, bình hoa, chậu nước chống kiến… cần lưu ý thêm các ổ lăng quăng ở: các công trình xây dựng có tầng hầm dễ đọng nước; rác trên mặt đất, ven kênh rạch, có thể đọng nước mưa; hòn non bộ, chậu kiểng có chứa nước; các mảnh đất trống, có rào nhưng chưa xây dựng, nhiều rác, cỏ làm đọng nước. Bên cạnh đó phải chú ý đến việc diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt để tránh bị lây truyền bệnh.

Thứ hai là hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo an toàn với người, gia súc, gia cầm và đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Phun hóa chất diệt muỗi là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là không có cơ sở.

Để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả cao, người dân cần hợp tác thực hiện tốt các công việc sau đây:

– Diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và quanh khu vực sinh sống.

– Bố trí người ở nhà để mở cửa cho công nhân phun hóa chất diệt muỗi theo thời gian  mà Tổ trưởng Tổ dân phố thông báo.

– Che đậy dụng cụ chứa nước, thực phẩm và di chuyển vật nuôi chim, cá cảnh, ong đến nơi an toàn.

–  Đề phòng hỏa hoạn nên tắt bếp nấu, công tắc điện.

– Đóng tất cả các cửa ra vào, cửa sổ và giữ nguyên như thế 30 phút sau khi phun để tác dụng phun đạt hiệu quả. Chỉ cho phép người vào nhà với điều kiện nhà đã được thông gió.

– Tuyệt đối không đi theo sau nhân viên phun thuốc. Đối với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch nên ở ngoài từ 1 – 2 giờ rồi mới vào nhà.

– Sau khi phun thuốc: lau dọn lại nhà cửa, đồ dùng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, các sinh hoạt sau đó diễn ra bình thường.

Việc phun thuốc diệt muỗi của ngành Y tế thường được thực hiện trên diện rộng, khi vùng đó có dịch và có sự chỉ định của cơ quan y tế địa phương. Nhưng đây chỉ là biện pháp tức thời vì chỉ diệt được muỗi mà không diệt được trứng, bọ gậy và lăng quăng. Vì vậy biện pháp tốt nhất để phòng bệnh SXH là tất cả mọi người, mọi gia đình và mọi tổ dân phố hãy tích cực tham gia diệt bọ gậy/lăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường, tìm và diệt lăng quăng/bọ gậy, không để muỗi vằn có nơi trú ngụ và truyền bệnh SXH, bởi không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi thì sẽ không có SXH.

Nguyễn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây