Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ quay trở lại

Thứ tư - 24/04/2019 03:20
Đến nay mọi người vẫn chưa quên dịch sởi nghiêm trọng năm 2013-2014 xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc, hơn 100 trẻ tử vong. Điều đáng nói là trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Đến nay mọi người vẫn chưa quên dịch sởi nghiêm trọng năm 2013-2014 xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc, hơn 100 trẻ tử vong. Điều đáng nói là trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Đây vẫn mãi là bài học đắt giá cho hành động trì hoãn tiêm chủng, không tiêm chủng vắc-xin sởi.

Theo Thứ tưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian qua Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; bệnh sởi và rubella được khống chế. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 94,8%, tỷ lệ tiêm đủ mũi vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 85%; tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu đạt 74,4%; tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng đạt trên 90%.

Đặc biệt, từ tháng 4-2018, vắc-xin phối hợp sởi- rubella do Việt Nam sản xuất đã được triển khai sử dụng trên toàn quốc. Đây là thành công của ngành y tế Việt Nam trong 2018 khi có thêm một vắc-xin an toàn, hiệu quả được sản xuất trong nước, chủ động việc cung ứng vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng...

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kiểm tra công tác tiêm chủng tại Hà Tĩnh. (Ảnh:B.H)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kiểm tra công tác tiêm chủng tại Hà Tĩnh. (Ảnh:B.H)

Tuy nhiên, công tác tiêm chủng trên toàn quốc đang đứng trước những thách thức mới như công tác tiêm chủng bị trì hoãn do người lớn ngần ngại đi tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch; cha mẹ chưa nắm được lịch tiêm chủng, không nhớ lịch tiêm chủng nên không cho con đi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch. Cùng đó, cha mẹ e ngại phản ứng sau tiêm và chờ vắc-xin dịch vụ; cha mẹ từ chối tiêm chủng với quan điểm “thuận với tự nhiên”.

Vắc-xin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc-xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90-95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không xảy ra.

Nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vắc-xin…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.

Cùng đó, những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ sẽ quay trở lại. Ví dụ như dịch sởi được loại trừ ở Mỹ từ năm 2000. Tuy nhiên, với tình trạng e ngại tiêm chủng của một bộ phận cha mẹ, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống, số mắc sởi các tháng đầu năm 2019 tăng mạnh đã khiến dịch sởi bùng phát và tình hình dịch sởi tại quốc gia này hiện nay trở nên tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua.

Tại châu Âu, ghi nhận 8.580 trường hợp mắc và 33 trường hợp tử vong do sởi trong vòng 1 năm qua, trong đó nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối tại các nước Pháp, Italia, Đức, Romania...

Ở nước ta, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn một trăm trẻ tử vong. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Bộ Y tế cảnh báo: Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình trạng nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây. Vi-rús bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong… Bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.

Giai đoạn trước triển khai vắc-xin 5 trong 1 thì nguyên nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não vi khuẩn là do vi khuẩn Hib, chiếm trên 60% trường hợp, tuy nhiên đến nay Hib không còn là nguyên nhân chính của các bệnh này nữa. Nếu tỷ lệ tiêm vắc-xin này giảm xuống, nguy cơ hàng chục ngàn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.

Từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng. Chủ đề của Tuần lễ tiêm chủng năm nay là “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng” nhằm nhấn mạnh hiệu quả của vắc-xin và lợi ích bảo vệ cho cộng đồng khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao.

Nguồn tin: phapluatxahoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây