Giao lưu trực tuyến Những điều cần biết khi tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi

Thứ hai - 07/01/2019 05:41
Chiều ngày 30/11, Báo An ninh Thủ đô và Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về Những điều cần biết khi tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn thành phố Hà ...

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực y tế dự phòng như PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chim non, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội…

54 câu hỏi đã được các chuyên gia trả lời độc giả. Các câu hỏi tập trung vào nội dung công tác tổ chức thực thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi như thế nào để đảm bảo an toàn; hoặc nếu không cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng sởi - rubella đầy đủ thì có nguy cơ gì; những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin sởi - rubella và làm thế nào để giảm tai biến cho tiêm vắc xin này. Về phía các nhà trường đã chuẩn bị gì cho việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại các trường học; việc phối hợp giữa nhà trường với ngành y tế trong chương trình tiêm phòng có lợi gì cho học sinh; trong quá trình tiêm phòng tại trường, ngành y tế đã có những hỗ trợ gì để đảm bảo việc tiêm phòng đúng các bước quy chuẩn…
 

Được biết, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi được triển khai đồng loạt tại 584 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Bắt đầu từ ngày 26/11, chiến dịch đã được triển khai thực hiện và sẽ kết thúc vào ngày 11/12/2018. Chiến dịch sẽ tiêm cho khoảng 660 nghìn trẻ có mốc sinh từ 1/1/2013 đến 30/10/2018, sinh sống trên địa bàn Hà Nội, kể cả trẻ có hộ khẩu và không có hộ khẩu tại Hà Nội. Những trẻ vừa tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi, sởi-rubella, sởi - quai bị - rubella hoặc vắc xin phòng thủy đậu trong vòng một tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch không nằm trong đối tượng tiêm chủng lần này.
 
Trong chiến dịch này, ngoài việc tiêm chủng đồng loạt tại tất cả các trạm y tế, Hà Nội cũng tổ chức tiêm tại các điểm trường mầm non, mẫu giáo. Những điểm tiêm tổ chức tại trường học, ngành y tế sẽ đảm nhiệm khâu kỹ thuật về tiêm chủng, phòng chống và xử trí phản ứng sau tiêm chủng; ngành giáo dục bố trí địa điểm, buồng phòng để thiết lập điểm tiêm và thông báo, tuyên truyền về chiến dịch cho bố mẹ, điều tra tiền sử dị ứng và lịch sử tiêm của trẻ.

 

Để xử trí các trường hợp trẻ phản ứng sau tiêm chủng, tại mỗi điểm tiêm ngành y tế đều bố trí các phương tiện phòng chống sốc, bao gồm: thuốc phòng chống sốc, phác đồ hướng dẫn phát hiện, xử trí phòng chống sốc, giường cấp cứu, bình ôxy… Bác sĩ khám sàng lọc là người đầu mối chịu trách nhiệm phát hiện và xử trí cấp cứu phòng chống sốc. Bên cạnh đó, các điểm tiêm còn được kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn để hỗ trợ trong tình huống cần thiết.
 
Sau 4 ngày triển khai chiến dịch, đã có 250 nghìn trẻ được tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella và không ghi nhận bất cứ sự cố hay trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Hầu hết các phụ huynh đều ủng hộ và cho con đến trường hưởng ứng việc tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella, tỷ lệ đạt tương đối cao tại các trường ngoại thành.

 

Duy Tuân (Theo Sở Y tế Hà Nội)

 

Nguồn tin: hanoicdc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây