Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi-rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Biểu hiện của TCM ở trẻ em qua các giai đoạn như: - Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày. - Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. - Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: . Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. . Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. . Sốt nhẹ, nôn: Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM tại nhà nếu không thực hiện đúng cách sẽ làm tăng số trẻ mắc bệnh tại gia đình và cộng đồng. Những lưu ý sau đây giúp các bậc cha mẹ chăm sóc trẻ bị TCM đúng cách: 1. Cách ly đúng cách: - Trẻ xác định đã mắc bệnh TCM phải được nghỉ học từ 7 – 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan. - Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh. - Giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ bệnh trong sinh hoạt. - Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng. 2. Giữ vệ sinh cá nhân: - Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch. - Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh TCM qua đường tay – miệng nhằm loại bớt vi rút gây bệnh TCM trên đôi tay của trẻ. - Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi giặt. - Tuyệt đối tránh 3 quan niệm sai lầm sau đây: Kiêng tắm, kiêng gió, châm chích cho mụn nước mau vỡ ra, đây chính là những nguyên nhân làm cho bệnh của trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. - Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng. - Phòng ốc nơi trẻ sinh hoạt cần thông thoáng, đủ dưỡng khí, nhất là sàn nhà nên được lau chùi sạch sẽ thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn nhằm đảm bảo sạch sẽ và an toàn cho trẻ khi sinh hoạt và vui chơi. 3. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: - Ăn chín, uống chín; - Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn… nên được luộc kỹ và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. - Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; - Không mớm thức ăn cho trẻ; - Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; - Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Anh Thơ
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...