Rửa tay đúng cách với xà phòng là biện pháp giúp cho bản thân mỗi người và cộng đồng xung quanh được khỏe mạnh, nhất là đối với trẻ em.
Mỗi ngày chúng ta đều phải tiếp xúc, với những đồ vật có nguy cơ chứa các tác nhân gây bệnh (vi-rút, vi khuẩn, nấm, …) mà không hề hay biết như tay nắm cửa, nút điều khiển thang máy, công tắc đèn hoặc bắt tay người khác, … Bàn tay thường cũng là nơi trực tiếp tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể. Vi-rút gây bệnh có thể theo dịch tiết lan rộng ngoài cộng đồng khi chúng ta vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng hay chạm vào người hoặc vật khác. Rửa tay đúng cách với xà phòng là biện pháp giúp cho bản thân mỗi người và cộng đồng xung quanh được khỏe mạnh, nhất là đối với trẻ em. Mỗi năm, có khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do bệnh tiêu chảy và viêm phổi. Thực hiện rửa tay đúng cách với bằng xà phòng giúp bảo vệ khoảng 1/3 trẻ nhỏ bị bệnh tiêu chảy và gần 1/5 trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, khi thực hiện rửa tay đúng cách sẽ giúp: - Giảm 23-40% số ca mắc bệnh tiêu chảy - Giảm 58% ca mắc bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu - Giảm 16-21% ca mắc bệnh về đường hô hấp, như cảm lạnh - Giảm 29-57% số học sinh nghỉ học do mắc bệnh đường tiêu hóa Mặc dù các chuyên gia khuyến cáo rằng việc rửa tay đúng cách bằng xà phòng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn hiệu quả hơn, nhưng nhiều người vẫn có thói quen chỉ rửa tay sạch bằng nước, ít khi sử dụng xà phòng. Do đó, việc giáo dục sớm cho trẻ em thói quen rửa tay đúng cách với xà phòng tại trường học sẽ giúp cải thiện tình trạng vệ sinh cho trẻ. * Lựa chọn rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn tay? Rửa tay bằng xà phòng/xà bông và nước là cách tốt nhất để loại bỏ vi trùng trong hầu hết các tình huống, nhưng trong trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, bạn có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Bạn có thể kiểm tra nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn bằng cách quan sát nhãn sản phẩm. Hiện nay, nhiều người có thói quen sử dụng nước rửa tay thuận tiện để làm sạch tay và làm giảm vi khuẩn tuy nhiên chúng không có hiệu quả như khi bạn rửa tay với xà phòng và nước. Hơn nữa, nhiều loại dung dịch sát khuẩn tay có chứa phthalate được sử dụng như một chất tạo mùi hương. Đây là chất hóa học đầu hại khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Dung dịch sát khuẩn có thể nhanh chóng làm giảm số lượng vi trùng lưu trú trên bàn tay trong nhiều tình huống. Tuy nhiên cần lưu ý: ● Dung dịch sát khuẩn không thể loại bỏ tất cả các loại vi trùng. ● Dung dịch sát khuẩn có thể không hiệu quả khi tay bạn bị lấm bẩn hoặc dính dầu mỡ. ● Dung dịch sát khuẩn có thể không loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi tay như thuốc trừ sâu và kim loại nặng. Ngoài ra, dung dịch sát khuẩn có cồn có thể gây ngộ độc nếu uống, nuốt. Nên để xa tầm tay trẻ nhỏ và giám sát việc sử dụng. Do đó, chỉ dùng nước sát khuẩn tay nhanh trong những trường hợp cần thiết, rửa tay với xà phòng/xà bông và nước sạch đúng cách vẫn là cách tốt nhất. Các chuyên gia khuyến cáo nên rửa tay sạch trước khi chuẩn bị thức ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với những đồ vật ở nơi công cộng. Thời gian rửa tay phải đảm bảo trong khoảng 20 giây, chà xà phòng từ mu bàn tay, móng tay và giữa các ngón tay để loại vi khuẩn và bụi bẩn trên da. Rửa sạch bằng nước và lau tay bằng khăn khô. Dù bạn rửa tay sạch đến đâu cũng không có tác dụng nếu bạn bỏ qua việc làm khô tay. Bàn tay ẩm ướt có thể dễ dàng bị lây lan vi trùng hoặc vi khuẩn từ các bề mặt tiếp theo mà bạn chạm tay vào. Phước An (tổng hợp)