Liên cầu lợn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn này thường tồn tại trong đường hô hấp, đường tiêu hóa và cơ quan sinh dục của lợn mang mầm bệnh, kể cả khi lợn không có biểu hiện lâm sàng. Con người có thể bị lây nhiễm chủ yếu thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết, hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín kỹ.
Hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm khuẩn liên cầu lợn Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn trong nước đang gia tăng báo động. Mặc dù đây là một bệnh truyền nhiễm không mới,bệnh liên cầu lợn đang trở thành mối lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở một số nơi người dân thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn tiết canh, lòng lợn chưa chín, nem chua từ thịt sống… Mặc dù bệnh liên cầu lợn hoàn toàn có thể phòng tránh, nhưng do thiếu hiểu biết và chủ quan trong sinh hoạt, nhiều người vẫn vô tình đưa vi khuẩn nguy hiểm này vào cơ thể. Hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm khuẩn liên cầu lợn và cũng chưa có bằng chứng vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người. Ngoài lây truyền qua tiếp xúc vết thương, liên cầu khuẩn lợn còn lây qua giọt bắn đường hô hấp và xâm nhập qua đường tiêu hóa sau khi ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín. Triệu chứng thường gặp gồm: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cứng gáy, ù tai, mất thính lực hoặc hôn mê. Bệnh diễn tiến nhanh, có thể gây viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và tử vong. Trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập vào máu, vi khuẩn sẽ sản sinh nhanh chóng và sinh ra nhiều độc tố. Lúc này, ngoài các triệu chứng nêu trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố nặng với các biểu hiện: tụt huyết áp, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, trụy tim mạch, suy hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số trường hợp bị nhiễm độc đường tiêu hóa với các biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa như đi ngoài liên tục, phân lỏng, có máu. Ngoài ra, người bị nhiễm liên cầu lợn còn có triệu chứng sợ ánh sáng, co giật, nôn vọt…; nếu không cứu chữa kịp thời có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Tích cực chủ động phòng bệnh Bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ gây tổn thất to lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Bệnh tuy ít gặp ở người nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, ngành Y tế khuyến cáo người dân cách phòng bệnh như sau: - Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch. - Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết. - Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc. - Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng. - Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác. - Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời./.