Bệnh Sởi – nguy cơ ở trẻ lớn và người trưởng thành

Thứ sáu - 18/04/2025 21:38
Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do vi rút Sởi (họ Paramyxoviridae, chi Morbillivirus) gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ em, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
Theo Tổ chức y tế thế giới (W.H.O), năm 2023 khu vực châu Âu khoảng 20% số ca mắc là ở người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên. Tại Hoa Kỳ ghi nhận 32% số ca mắc Sởi là người trưởng thành.
Theo Bộ Y tế, hiện nay bệnh sởi ghi nhận nhiều ca mắc là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã ghi nhận ca tử vong. Hiện nay mỗi ngày, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai hiện tiếp nhận khoảng 10 đến 20 bệnh nhân là người lớn mắc sởi. Tại thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận 16,88% trường hợp mắc Sởi là bệnh nhân trên 18 tuổi.
 
bệnh sởi người lớn

1. Ai có nguy cơ mắc bệnh Sởi ?
Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, KHÔNG CHỈ Ở TRẺ NHỎ MÀ Ở CẢ TRẺ LỚN VÀ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH.
Những người chưa có miễn dịch với sởi bao gồm: Người chưa được tiêm vắc xin sởi; người chưa tiêm đủ liều vắc xin sởi, hoặc đã được được tiêm đủ mà vì một lý do nào đó không có đáp ứng miễn dịch tốt.
2. Bệnh Sởi lây nhanh như thế nào ?
Bệnh Sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người khác.
Theo một báo cáo về bệnh Sởi không điển hình ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi: người trưởng thành và trẻ lớn có thể mắc sởi với triệu chứng không điển hình (không sốt cao, không phát ban dạng điển hình), gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm và phòng ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng.
3. Các biến chứng có thể xuất hiện khi mắc Sởi là gì
Theo một nghiên cứu về 818 bệnh nhân là người lớn mắc bệnh sởi tại Bắc Kinh từ năm 2010 đến năm 2021, người trưởng thành mắc sởi có nguy cơ cao hơn bị biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm gan, thậm chí suy hô hấp và tử vong.
Các biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Sởi:
- Viêm phổi: là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở bệnh Sởi
- Biến chứng tai – mũi – họng: Viêm tai giữa cấp là biến chứng phổ biển nhất của bệnh Sởi, viêm xoang, viêm xương chũm cũng có thể xảy ra.
- Biến chứng tiêu hóa: Tiêu chảy và nôn trớ thường gặp trong giai đoạn cấp tính.
- Biến chứng thần kinh:
+ Viêm não do Sởi: Tỷ lệ mắc từ 1 – 3/1.000 ca, nguy cơ cao hơn ở thanh thiếu niên và người lớn so với trẻ nhỏ.
+ Viêm não bán cấp do Sởi: xuất hiện 1 – 10 tháng sau nhiễm Sởi ở bệnh nhân AIDS, ung thư máu hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Biến chứng khác: Lao phổi, nhiễm trùng huyết, viêm giác mạc…
4. Bệnh Sởi có thể diễn tiến nặng trên những đối tượng nào ?
- Trẻ < 12 tháng;
- Người chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh sởi hoặc tiêm không đầy đủ;
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải;
- Bệnh nền nặng;
- Suy dinh dưỡng nặng;
- Thiếu vitamin A;
- Phụ nữ có thai.
5. Phòng bệnh Sởi bằng cách nào ?
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
- Trẻ lớn và người trưởng thành chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi.
-  Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất,
- Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Sởi lập tức liên hệ cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
- Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo quy định. Thường xuyên sát trùng mũi họng phòng tránh viêm phổi, giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất phòng ngừa suy dinh dưỡng.
- Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết với người bệnh./.
Bs. Phan Châu Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây