Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại lây truyền sang người

Thứ hai - 11/11/2024 20:28
Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể lây sang người. Khi đã lên cơn dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng. Tại Việt Nam, bệnh dại liên tục có những diễn tiến phức tạp, do đó việc chủ động dự phòng bệnh dại lây truyền sang người là rất cần thiết.
 
phòng bệnh dại
ICD-10 A82: Rabies
Bệnh Dại thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Theo thông tin từ Viện Pasteur Nha Trang, tính đến ngày 30/9/2024, tại Miền Trung đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Một số địa phương gần thành phố Đà Nẵng cũng đã ghi nhận ổ dịch Dại trên động vật.
1. Bệnh Dại là gì?
Bệnh Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.
Tại Việt Nam, bệnh Dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Bệnh Dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.
2. Bệnh Dại nguy hiểm như thế nào?
Khi đã lên cơn Dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
3. Tác nhân gây bệnh Dại là gì?
Tác nhân gây bệnh là vi rút Dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus.
Sức đề kháng của vi rút Dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 56℃ trong vòng 30 phút, ở 60℃ 5-10 phút và ở 70℃/2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 4℃, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 0℃ sống được từ 3 - 4 năm. Vi rút Dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ.
Có 2 chủng vi rút Dại: vi rút Dại đường phố là vi rút Dại tồn tại trên động vật bị bệnh và vi rút Dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ). Chủng vi rút Dại cố định được dùng để làm vắc xin Dại lần đầu tiên bởi L. Pasteur.
4. Bệnh Dại lây truyền như thế nào?
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị Dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút Dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị Dại cũng đã được báo cáo.
Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút Dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm
5. Bệnh Dại trên người có triệu chứng như thế nào ?
- Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.
- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
- Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.
- Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
6. Sau khi bị động vật cắn phải làm gì ?
- Xử lý vết thương:
+ Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút Dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
+ Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng Dại vào tất cả các vết thương.
- Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm. Tiêm vắc xin phòng Dại và sử dụng huyết thanh kháng Dại nếu có chỉ định.
- Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
- Tuyệt đối không thực hiện “cào”, “hút”, “chích”, “lể”, “liếc”, “đặt ngọc” và các biện pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe không theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không có cơ sở khoa học./.
Bs. Phan Châu Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây