Đảm bảo công tác tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Thứ ba - 23/07/2024 21:31
Tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Do đó, đảm bảo công tác tiêm chủng để trẻ tiêm vắc xin đủ và đúng lịch là rất quan trọng, góp phần bảo vệ trẻ trước các loại dịch bệnh, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
ciêm chủng trẻ em
 
Chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm vắc xin 
Hiểu được vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh, trước khi mang thai, chị Nguyễn Thị Minh Hồng, (31 tuổi, ở p. Vĩnh Trung, TP. Đà Nẵng) đã đi khám sàng lọc, đồng thời tiêm các loại vắc xin theo tư vấn của bác sĩ. Hiện tại, con chị đã được 6 tháng tuổi và đã được tiêm các mũi vắc xin cơ bản như: 5 trong 1, phế cầu, uống rota... Chị Hồng cho hay, những vắc xin nào không có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, hay có thời điểm thiếu, hết vắc xin chị đưa con đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ khác để tiêm cho con. “Giờ dịch bệnh nhiều, bệnh nào có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, tốt nhất nên tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe cho con”.
Chị Phạm Thị Minh (35 tuổi, ở H. Hoà Vang) có con hơn 10 tháng tuổi cho hay, gần đây ở các tỉnh, thành phía bắc ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh sởi nên chị lo lắng. Riêng mũi sởi chị đã chích cho bé lúc 9 tháng tuổi. Theo chị tìm hiểu bé chích được một mũi sởi vẫn chưa có đủ kháng thể để phòng bệnh mà phải tiêm đủ liều. Để tránh việc bỏ sót các mũi tiêm của con, chị thường xuyên theo dõi lịch tiêm để đưa con đi tiêm.
Theo các bác sĩ  tại Phòng khám, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đà Nẵng) cho hay, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh, do đó việc người dân nâng cao ý thức trong việc tiêm vắc xin cho trẻ để chủ động phòng bệnh là rất quan trọng, không chỉ giúp ngăn ngừa các dịch bệnh, còn giảm nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh những loại vắc xin có trong danh mục của Chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ tiêm thêm những mũi dịch vụ khác để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ. 
Đảm bảo đủ vắc xin để tiêm cho trẻ
Theo CDC Đà Nẵng, trong năm 2023, tình trạng thiếu hụt một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, điều này ảnh hưởng đến việc tiêm ngừa cho trẻ. Đầu năm 2024, sau khi Đà Nẵng được phân bổ một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như: sởi, 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib)… CDC Đà Nẵng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tăng cường công tác tiêm chủng đến Trung tâm y tế các huyện, thành phố để có thể kịp thời tiêm bù cho trẻ khi đã có vắc xin.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo đủ vắc xin để tiêm cho trẻ, CDC Đà Nẵng đã lập kế hoạch, dự trù cung ứng vắc xin tiêm chủng từ Trung ương về để phân bổ cho các Trung tâm y tế quận/huyện. Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tiêm chủng ở các Trung tâm y tế quận/huyện, hàng năm CDC Đà Nẵng tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dự án, thực hành an toàn tiêm chủng, giám sát bệnh truyền nhiễm. Tổ chức các đợt giám sát về công tác tiêm chủng như: quản lý đối tượng, an toàn tiêm chủng, đánh giá tiến độ thực hiện theo tháng, quý về công tác tiêm chủng. Sau khi đi giám sát hay từ số liệu báo cáo các địa phương gửi về, nếu các chỉ tiêu tiêm chủng vắc xin còn thấp, chưa đạt sẽ ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tiêm chủng, nhằm đảm bảo trẻ được tiêm vắc xin.
Tại các trạm y tế như Phường Thanh Khê Tây, P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê; Trạm y tế An Hải Đông, Mân Thái,… Quận Sơn Trà, các trưởng trạm Y tế cho biết, để trẻ được tiêm chủng đầy đủ vắc xin, trạm đã chủ động lập kế hoạch triển khai tiêm, rà soát các đối tượng tiêm, phối hợp với nhóm zalo Tổ dân phố, Hội phụ nữ phường thông báo lịch tiêm chủng. Song song đó, đẩy mạnh các kênh tuyên truyền để các bậc phụ huynh nắm bắt và chủ động sắp xếp đưa trẻ ra Trạm y tế tiêm chủng đúng lịch./.
                                                                                        Phước Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây