Cách phòng tránh bệnh Liên cầu lợn

Thứ ba - 19/03/2024 03:29
Bệnh liên cầu lợn do liên cầu khuẩn lợn có tên là Streptococcus suis (S.suis) gây nên và có ít nhất 35 tuýp. Nhiều tuýp sống bình thường trên lợn mà không gây bệnh, nhưng phổ biến nhất là tuýp 2 gây bệnh cho lợn và có thể lây sang người.
Nhiễm S.suis ít gặp ở người, tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết v.v. Tỷ lệ chết có thể tới 7%.
Nguyên nhân gây bệnh
- Liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis) chính là tác nhân gây ra bệnh liên cầu lợn. Vi khuẩn gram dương, hình cầu hay hình ô van, kỵ khí tùy tiện. Dựa vào đặc điểm của các polysaccharid ở lớp vỏ bọc vi khuẩn, người ta đã xác định vi khuẩn có 35 tuýp huyết thanh. Trong đó, S.suis tuýp II thường gây bệnh ở người. 
- Ở động vật, vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. 
Liên cầu lợn

- S.suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. S.suis có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác, vì thế môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh của vi khuẩn. Bên cạnh đó, các véc tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.
Phương thức lây truyền
- Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người. 
- Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn.Vi khuẩn có thể vẫn có mặt ở hạch hạnh nhân của lợn sau khi đã được điều trị bằng kháng sinh penicillin. Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành. Các đàn lợn non trong trạng thái chịu stress và tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ có khả năng phát bệnh cao.

- Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột. 
Các biện pháp phòng, chống dịch
-  Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. 
- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.  
- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 7000C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

-  Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. 
-  Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
- Trường hợp bị bệnh, nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời và giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.
- Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ đúng cách. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại./.
Hồng Hoa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây