Chiến lược 2X trong tầm soát Lao chủ động tại cộng đồng ở Đà Nẵng
Thứ năm - 14/09/2023 22:29
Đà Nẵng là một trong những địa phương thực hiện phòng chống, điều trị Lao rất tốt. Tuy nhiên vẫn chưa phát hiện hết số bệnh nhân mắc Lao và bị Lao tiềm ẩn tại cộng đồng. Vì thế, từ năm 2018 đến nay, với sự trợ giúp của Chương trình chống Lao quốc gia, Bệnh viện Phổi đã triển khai hoạt động tầm soát Lao chủ động tại cộng đồng ở trên toàn thành phố.
Tại một buổi khám sàng lọc bệnh Lao tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt để khám, chụp X-quang tại chỗ bằng xe X-quang kỹ thuật số lưu động và tiêm Mantoux phát hiện Lao tiềm ẩn. Những trường hợp nghi mắc Lao sẽ được lấy đờm và sau đó chuyển về Bệnh viện Phổi làm xét nghiệm khẳng định.
Người dân chụp X-Quang sàng lọc bệnh Lao tại xã Hòa Sơn
Việc sàng lọc như thế này từ nhiều năm nay được gọi là tầm soát bệnh Lao chủ động tại cộng đồng với Chiến lược 2X (X-quang – Xpert) là chiến lược tiếp cận sử dụng đồng thời hai kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh Lao.
Chiến lược 2X là một chiến lược chủ động của Việt Nam để tiếp cận với người nghi nhiễm Lao. Triển khai Chiến lược 2X trong phát hiện chủ động giúp đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.
Các buổi khám sàng lọc tại cộng đồng sẽ bao gồm khám sàng lọc, phỏng vấn, thu thập thông tin các triệu chứng nghi Lao; chụp phim X-quang kỹ thuật số và tiến hành lấy mẫu đờm xét nghiệm Gene Xpert cho tất cả các đối tượng có tổn thương nghi Lao trên phim X-quang. Dựa vào kết quả xét nghiệm Xpert, kết quả X-quang và các kết quả xét nghiệm khác (CT, nuôi cấy…) sẽ xác chẩn và đưa các trường hợp mắc Lao phổi vào quản lý và điều trị.
Gene Xpert là thành tựu y học thế giới về kỹ thuật xét nghiệm. Đây là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử trên cơ sở kỹ thuật RT-PCR nhưng được thực hiện hoàn toàn tự động bao gồm cả quá trình tách chiết DNA, khuếch đại và xác định kết quả. Với thao tác kỹ thuật đơn giản, xét nghiệm Gene Xpert MTB/ RIFcho phép xác định vi khuẩn Lao với độ nhạy lên tới 98% đối với các mẫu AFB dương tính và 72% với các mẫu AFB âm tính và độ đặc hiệu lên đến 99,2%. Điều quan trọng là kỹ thuật này phát hiện đồng thời sự có mặt và mức độ của vi khuẩn Lao có trong mẫu và vi khuẩn có kháng thuốc Rifamycin hay không.
Với những ưu điểm trên, kỹ thuật này được WHO khuyến cáo thực hiện với nhiều nước trên thế giới và được áp dụng tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngay từ buổi đầu khi Việt Nam được tiếp nhận kỹ thuật vào năm 2012 và hiện đã được cải tiến với bộ sinh phẩm mớiXpert MTB/ RIF Ultra nhằm rút ngắn thời gian chẩn đoán từ hơn 100 phút xuống còn 70 phút.
Với ý nghĩa trên, xét nghiệm Gene Xpert MTB/ RIF đang giữ vai trò rất quan trọng trong hệ thống chẩn đoán phát hiện sớm bệnh nhân Lao và Lao đa kháng, giúp điều trị kịp thời và hạn chế lây nhiễm Lao ra cộng đồng.
Sau mỗi năm, số lượng phim X-Quang được chụp tại cồng đồng đều tăng lên, giúp phát hiện rất nhiều trường hợp bệnh Lao trong cộng đồng. Năm 2020, Bệnh viện Phổi đã triển khai hoạt động khám sàng lọc chủ động trên các nhóm người nguy cơ cao là bệnh nhân tâm thần; người già neo đơn thuộc 2 xã của huyện Hòa Vang; bệnh nhân HIV tại Bệnh viện Da Liễu; các đối tượng nguy cơ cao tại quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang; công nhân tại Công ty LOGITEM; cán bộ nhân viên tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng.
Với tổng số người tham gia khám sàng lọc là 14.386 người, đã phát hiện ra được 150 trường hợp mắc Lao, cao gấp 8 lần so với phương pháp phát hiện thụ động, trong đó có 80 trường hợp Lao phổi AFB (+).
Trong 6 tháng đầu năm 2023 này tại ba quận là Hải Châu, Sơn Trà và Thanh Khê, đã có gần 13 ngàn người được chụp phim X-Quang, phát hiện 79 người bị Lao, trong đó có 05 trường hợp Lao kháng thuốc; hơn 1,7 ngàn người được tiêm Mantoux tìm Lao tiềm ẩn, phát hiện 10 trường hợp mắc.
Các bệnh nhân được phát hiện qua các đợt điều trị đều được đưa vào quản lý và điều trị tại Tổ chống Lao của các địa phương. Điều này mang lại cho việc quản lý và điều trị bệnh nhân Lao mang tầm quy mô mở rộng và hiệu quả hơn tại thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, thay vì chờ người dân tự đến bệnh viện khám, việc tổ chức khám tại cộng đồng đã giúp sàng lọc được số lượng lớn người dân bao gồm cả trẻ em. Đây là phương án hiệu quả, tăng khả năng phát hiện chủ động nhằm đưa người bệnh mắc Lao trong cộng đồng vào chăm sóc, quản lý, điều trị kịp thời.
Nhìn chung, việc khám tầm soát bệnh Lao tại cộng đồng ở Đà Nẵng diễn ra khá thuận lợi với khoảng 90% người dân tham gia trong các đợt triển khai. Tuy nhiên vẫn còn một số ít người dân vẫn còn chủ quan hoặc ngại đi khám.
ThS. BS. Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, việc triển khai khám sàng lọc tại Đà Nẵng tương đối thuận lợi, tuy nhiên vẫn chưa đạt 100%. BS. Phúc mong muốn người dân hiểu hơn, khi có đợt khám sàng lọc thì nên đi khám, nhất là khi có triệu chứng ho khạc kéo dài; Hoặc những người tiếp xúc với bệnh nhân Lao, người có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, sức khỏe yếu thì nên đi khám phổi hàng năm để có thể phát hiện sớm bệnh Lao và điều trị.
Lao là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan. Do đó với chương trình sàng lọc Lao chủ động tại cộng đồng hoàn toàn miễn phí, người dân nên tham gia tích cực để có thể chủ động phát hiện bệnh Lao, điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và tránh lây lan ra cộng đồng./.