Hướng dẫn các bước Phòng, chống bệnh Tay chân miệng tại các trường mầm non, nhóm trẻ

Thứ ba - 15/08/2023 03:07
I. QUẢN LÝ TRẺ
- Bước 1: Trước khi đến trường
Hướng dẫn phụ huynh chủ động theo dõi sức khỏe cho trẻ ở nhà; nếu có biểu hiện sốt, phát ban, rối loạn tiêu hóa và các dấu hiệu nghi ngờ Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác) thì chủ động cho trẻ nghỉ học, thông báo cho nhà trường, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

- Bước 2: Khi đón trẻ tại trường
Ban Giám hiệu bố trí người đón và giao trẻ tại cổng trường. Hạn chế phụ huynh hoặc người khác ra vào trường. Trường hợp người đón trẻ phát hiện trẻ nghi ngờ mắc bệnh Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác), lập tức:

a) Thông báo với gia đình để đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị;
b) Ghi nhận (vào Sổ theo dõi sức khỏe) và thông báo cho Trạm Y tế xã, phường để giám sát và xử lý ca bệnh kịp thời.
- Bước 3: Sau khi đón trẻ tại trường
Giáo viên điểm danh trẻ, nếu trẻ vắng học thì phải liên hệ phụ huynh để hỏi nguyên nhân trẻ nghỉ. Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác) thì hướng dẫn phụ huynh xử lý như Bước 1 đồng thời ghi nhận và thông báo như Bước 2b.

- Bước 4: Trong suốt quá trình trẻ học tại trường đến khi trả trẻ
Thường xuyên theo dõi sức khoẻ của trẻ. Nếu phát hiện trẻ nghi ngờ mắc bệnh Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác) thì Thông báo với gia đình như Bước 2a đồng thời ghi nhận và thông báo như Bước 2b.

II. VỆ SINH KHI TRẺ Ở TRƯỜNG
Trong thời gian trẻ ở tại trường, Ban Giám hiệu, cô nuôi dậy trẻ/thầy cô giáo, người lao động tại trường cần thực hiện các biện pháp:
1. “3 SẠCH”
- Bàn tay sạch:
+ Bố trí nơi rửa tay có đủ xà phòng và nước sạch tại từng lớp học, khuyến khích đặt tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng.
+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, trước khi đến trường và sau khi ra về.
          + Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học; Trước và sau khi ăn; Sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ; Sau khi đi vệ sinh; Trước khi ra về; Khi thấy tay bẩn.  
- Ăn sạch:
+ Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín
+ Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi)
+ Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày
+ Không mớm thức ăn cho trẻ
+ Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dụi mắt
+ Đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi trẻ có một cốc uống nước dùng riêng được vệ sinh sạch sẽ; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Ở sạch:
+ Bố trí đủ thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.
+ Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Nếu sử dụng điều hòa trong lớp học, cuối buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng.
+ Phân công thực hiện vệ sinh, khử trùng: Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, tường nhà bằng Cloramin B hoặc các chất sát khuẩn thông thường.
+ Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
+ Nghiêm cấm khạc nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi.
2. Các biện pháp khác:
- Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Phối hợp với y tế địa phương triển khai tập huấn đầy đủ cho giáo viên, người lao động của nhà trường về kiến thức và các biện pháp phòng, chống Tay chân miệng.

* CÁC BƯỚC KHỬ TRÙNG, LÀM SẠCH ĐỒ CHƠI, DỤNG CỤ VÀ PHÒNG HỌC
- Bước 1: Thu gom đồ chơi/dụng cụ học tập của trẻ, và làm sạch bằng nước sạch
- Bước 2: Tiến hành pha dung dịch khử trùng Cloramin B hoặc các chất sát khuẩn thông thường khác
- Bước 3: Ngâm đồ chơi/dụng cụ học tập của trẻ trong dung dịch khử trùng. Sau 30 phút, lau lại bằng khăn vải khô hoặc khăn giấy dùng 1 lần. Phơi khô đồ chơi tại nơi khô ráo, mát mẻ (tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời).
- Bước 4: Dùng khăn sạch, nhúng vào dung dịch khử trùng đã pha để lau các vị trí mà trẻ hay chạm vào như: Tay nắm của, cầu thang vịn, tường nhà, chỗ ở sinh hoạt hàng ngày của trẻ, chỗ vui chơi của trẻ... Sau mỗi lần lau thì phải giặt khăn bằng nước sạch hoặc dung khăn sạch khác để nhúng vào dung dịch khử trùng.
- Bước 5: Sau khi lau hết các nơi trẻ thường xuyên tiếp xúc trong ngày, lượng dung dịch khử trùng còn lại dùng để khử khu vực vệ sinh của trẻ.
- Bước 6: Tháo găng tay, rửa tay lại sau khi lau rửa khử trùng bằng hóa chất

III. KHI TRƯỜNG MẦM NON, NHÓM TRẺ CÓ CA BỆNH/Ổ DỊCH TAY CHÂN MIỆNG
- Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
- Đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học. Cô nuôi dạy trẻ, thầy cô giáo thực hiện và hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
- Trạm Y tế cấp phát cloramin B cho trường mầm non, nhóm trẻ theo quy định.
- Trạm Y tế hướng dẫn trường mầm non, nhóm trẻ cách pha và sử dụng hóa chất có clo hoạt tính (Cloramin B, nước Javen …) để lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, tường nhà. Đặc biệt lưu ý lớp học và các khu vực có liên quan đến trẻ bệnh.
- Trạm Y tế hướng dẫn các cô nuôi dậy trẻ/thầy cô giáo/người chăm sóc trẻ theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ hàng ngày. Khi phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
- Tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo. Thời gian đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng./.
                                                                                                                                   Phạm Thi Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây