Những điều cần biết về tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh Dại

Thứ sáu - 26/04/2024 02:48
Bệnh Dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc đặc trị và có nguy cơ tử vong cao. Do đó, cách duy nhất ngăn ngừa bệnh dại là tiêm vắc xin phòng Dại.
Bệnh Dại chủ yếu là bệnh của động vật. Con người bị bệnh Dại khi bị động vật nhiễm bệnh cắn. Lúc đầu có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng sau khi bị cắn, bệnh dại có thể gây đau, mệt mỏi, đau đầu, sốt và khó chịu. Tiếp theo là co giật, ảo giác và tê liệt. Khi bị bệnh Dại, đa số bệnh nhân sẽ tử vong.
1. Vắc xin Dại là gì?
Vắc xin phòng Dại của người dại được sử dụng để bảo vệ những người bị động vật cắn (sau phơi nhiễm) hoặc nếu không có thể tiếp xúc với vi rút bệnh dại (trước phơi nhiễm). Vắc xin này hoạt động bằng cách cho người bệnh tiếp xúc với một lượng nhỏ vi rút để giúp cơ thể tạo khả năng miễn dịch với bệnh. Vắc xin bệnh Dại được sử dụng ở người lớn và trẻ em.


Tiêm phòng dại có hại không?
Chính vì lo lắng không biết tiêm phòng dại có hại không nên nhiều người còn e dè với loại vắc xin này. Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc xin ngừa bệnh Dại cũng có khả năng gây ra các phản ứng sau tiêm vắc xin, chẳng hạn như phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh dại được làm từ vi rút dại đã chết và nó không thể gây bệnh dại. Do đó, nguy cơ vắc xin gây ra tác hại nghiêm trọng hoặc tử vong là vô cùng nhỏ. Các vấn đề phản ứng nghiêm trọng từ vắc xin phòng ngừa bệnh dại là rất hiếm.
Một số phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng Dại:
- Đau nhức, đỏ, sưng hoặc ngứa nơi tiêm thuốc
- Nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, đau cơ, chóng mặt
- Nổi mề đay, đau khớp, sốt (khoảng 6% liều tăng cường)
Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh Dại
* Lịch tiêm phòng bệnh Dại trước khi phơi nhiễm: Tiêm 3 mũi vào các ngày  0, 7, 21 hoặc 28. Sau đó 1 năm tiêm nhắc lại 1 mũi và sau 5 năm tiêm nhắc lại 1 lần.
* Lịch tiêm phòng bệnh Dại khi xác định có phơi nhiễm:
- Người chưa tiêm dự phòng:
+ Tiêm 3 mũi vào các ngày 0, 3, 7 (sau 10 ngày theo dõi con vật còn sống).
+ Tiêm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 (con vật bệnh, chết không theo dõi được).
- Cần tiến hành tiêm vắc xin Dại càng sớm càng tốt sau khi bị con vật cắn/cào.
- Người đã tiêm dự phòng trước khi phơi nhiễm theo lịch, khi bị con vật cắn thì cần đến Trung tâm Y tế hoặc địa điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn, nếu cần thiết thì sẽ tiêm 02 mũi vắc xin vào các ngày 0, 3.
* Tiêm huyết thanh kháng dại ngày khi:
- Vết cắn/cào chảy máu ở vùng xa thần kinh trung ương: Tại thời điểm cắn người, nếu con vật có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được con vật.
- Vết cắn/cào sâu, nhiều vết; vết cắn/cào gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ); vết cắn/cào ở vùng có nhiều dây thần kinh (đầu chi, bộ phận sinh dục): tại thời điểm cắn người nếu con vật bình thường, hoặc có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được.
Bệnh Dại rất nguy hiểm và có nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi bị động vật cắn, cách duy nhất để phòng ngừa bệnh Dại là tiêm vắc xin phòng chống. Vắc xin phòng ngừa bệnh Dại được làm từ vi rút bất hoạt, những con vi rút này đã chết và không có khả năng gây bệnh. Vì vậy, nguy cơ xảy ra những biến chứng là vô cùng nhỏ và rất hiếm gặp. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin phòng Dại, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp kịp thời.
                                                                                                                                               Châu Anh
                                                                                                                                              (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây