Tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh ho gà

Thứ tư - 22/05/2024 04:06
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua giọt nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp.
Ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường khiến người bệnh khó thở. Sau khi ho, bệnh nhân thường cần hít thở sâu, điều này dẫn đến âm thanh phát ra như tiếng rít dài.
Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cảnh báo, bất kỳ đối tượng nào ở lứa tuổi nào cũng có thể bị nhiểm vi khuẩn ho gà đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.  Khoảng 1/3 số trẻ dưới 1 tuổi bị ho gà cần được chăm sóc tại bệnh viện và cứ 100 trẻ được điều trị tại bệnh viện thì có 1 trẻ tử vong. Tuy nhiên, có hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.

Triệu chứng và diễn tiến bệnh ho gà

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn sau:
- Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày): Thời kỳ này không có triệu chứng
- Giai đoạn tiền triệu (viêm long): kéo dài 1-2 tuần, gồm các triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi, ho húng hắng. Cuối giai đoạn này ho nặng lên thành cơn.
- Giai đoạn khởi phát: kéo dài 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt có thể trên 10 tuần. Cơn ho điển hình xuất hiện đột ngột, bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm.
+ Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
+ Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể không có tiếng rít trong cơn ho.
+ Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà cũng là một nguồn lây bệnh.
+ Trong 2 tuần đầu, tần suất cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị.
+ Sau mỗi cơn ho, trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Có thể kèm theo một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng
- Giai đoạn hồi phục:Cơn ho ít dần, bệnh nhân giảm sốt. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, ho có thể tái diễn gây ra viêm phổi.
Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày.

Biến chứng của ho gà

Ở trẻ sơ sinh - đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi - các biến chứng do ho gà nghiêm trọng hơn và có thể bao gồm:
+ Viêm phổi, viêm phế quản
+ Thở chậm hoặc ngừng thở
+ Mất nước hoặc sụt cân do khó ăn uống
+ Co giật
+ Tổn thương não do thiếu oxy trong quá trình suy hô hấp
+ Một số biến chứng khác như xuất huyết kết mạc, tràn khí màng phổi, sa trực tràng, thoát vị rốn và trực tràng,…

Điều trị ho gà như thế nào?

Đối với trẻ được chẩn đoán ho gà nhẹ có thể điều trị cách ly tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế khu vực. Bố mẹ cần đưa trẻ tái khám khi có các dấu hiệu nặng như số lượng cơn ho nhiều hơn, cơn ho dài, tím tái, khó thở, hay các dấu hiệu nghiêm trọng khác, …
Đối với những trường hợp ho gà nặng cần nhập viện để có điều trị sớm cho trẻ. Các điều trị cần thiết bao gồm điều trị suy hô hấp (nếu có), điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, điều trị biến chứng, các chăm sóc và điều trị hỗ trợ khác.
Thuốc kháng sinh trong giai đoạn xuất tiết có thể cải thiện bệnh. Sau khi toàn phát, kháng sinh thường không có tác dụng lâm sàng nhưng được khuyến cáo để hạn chế sự lây lan.
Thuốc ưu tiên là
- Erythromycin 10 - 12,5 mg/kg uống mỗi 6 giờ (tối đa 2g/ngày) trong 14 ngày
- Azithromycin 10 mg (12 mg/kg đối với trẻ em) một lần/ngày trong 5 ngày

Phòng bệnh ho gà

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm phòng vắc xin.
Tại Việt Nam, vắc xin ho gà có trong rất nhiều loại vắc xin kết hợp như vắc xin 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa, vắc xin 5 trong 1 Pentaxim hoặc ComBE Five, vắc xin 4 trong 1 Tetraxim, hay vắc xin 3 trong 1 Adacel.
Theo dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, bắt đầu từ 2 tháng tuổi trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng chống bệnh ho gà. Lịch tiêm vắc-xin ho gà cho trẻ như sau:
- Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Khi trẻ được 3 tháng tuổi
- Mũi 3: Khi trẻ được 4 tháng tuổi
- Mũi 4: Tiêm mũi nhắc lại khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Hiện tại, WHO khuyến cáo lịch tiêm ngừa ho gà đầy đủ gồm : 3 liều cơ bản lúc 2,3,4 tháng tuổi và 3 liều tiêm nhắc lại lúc tiền học đường (4-7 tuổi), thanh thiếu niêu (9-15 tuổi), người lớn. Sau đó có thể tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
lịch tiêm phòng ho gà

          Ngoài ra, đề ngăn ngừa sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, nên:
         - Cách ly trẻ khỏi khu vực đông đúc như ký túc xá, trường học, nhà trẻ khi phát hiện trẻ bị nhiễm bệnh.
          - Che miệng và mũi của trẻ bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi.
          - Vứt bỏ các mẫu khăn đã sử dụng ngay lập tức.
          - Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng.
          Lưu ý: Bệnh ho gà thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em, trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ mắc bệnh nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Được điều trị càng sớm, trẻ càng nhanh khỏi và ít có nguy cơ bị biến chứng.
BS. Trương Đại Nghĩa
(Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây