6 2 banner2 1

Những điều cần biết về bệnh Sốt xuất huyết Dengue và vắc xin phòng bệnh

Thứ sáu - 06/12/2024 03:05
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn. Bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng. Vắc xin phòng sốt xuất huyết được kỳ vọng là một giải pháp bổ sung hiệu quả, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.
vắc xin SXH
ICD-10.A91: Dengue hemorrhagic fever (Sốt xuất huyết Dengue) Bệnh sốt xuất huyết Dengue thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo WHO, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ sốt xuất huyết. Các chuyên gia cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi không còn mang tính chu kỳ, có xu hướng mở rộng các vùng lưu hành dịch.
1. Bệnh Sốt xuất huyết là gì ?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
2. Tác nhân gây bệnh Sốt xuất huyết Dengue là gì ?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên.
Vi rút Dengue (Dengue virus) thuộc giống Flaviviruses, họ Flaviviridae; gồm 4 týp huyết thanh có ký hiệu là D1, D2, D3, D4.
Cả 4 týp huyết thanh đều có thể gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.
3. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có triệu chứng lâm sàng như thế nào ?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn sốt: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt…
- Giai đoạn nguy hiểm (thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh): có thể còn sốt hoặc giảm sốt; đau bụng nhiều, nôn ói; vật vã, lừ đừ, li bì.
- Giai đoạn hồi phục (thường vào ngày thứ 7 - 10 của bệnh): hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều, có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.
4. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue có nguy hiểm không ?
Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, vì vậy có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng có thể gặp trong Sốt xuất huyết Dengue nặng:
- Sốc SXHD, sốc SXHD nặng: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
- Xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng, xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận),
- Suy các tạng: tổn thương gan nặng/suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn tri giác (sốt xuất huyết Dengue thể não), viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.
5. Phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue bằng cách nào ?
- Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy.
MỖI NHÀ HÃY THƯỜNG XUYÊN DÀNH 10 - 15 PHÚT HÀNG NGÀY ĐỂ:
+ Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
+ Thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
+ Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Phòng chống muỗi đốt: mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi..., dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue.
6. Tại Việt Nam có vắc xin phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue không ?
Vào tháng 05/2024, vắc xin phòng sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam và đã được triển khai tiêm tại các điểm tiêm dịch vụ./.
 Bs Phan Châu Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây