Bệnh Cúm gia cầm và cách phòng tránh

Thứ năm - 16/05/2024 05:32
Con người có thể bị nhiễm virut cúm gia cầm như cúm A (H5N1), A (H7N9), A (H9N2) và các vi rút cúm khác có nguồn gốc từ động vật A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2). Bệnh Cúm gia cầm lây sang người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ mức nhẹ đến mức nghiêm trọng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cho người, vì thế chủ động phòng cúm gia cầm luôn là vấn đề cần thiết.
04


Các ca mắc cúm gia cầm, cúm có nguồn gốc từ động vật lây sang người đang có xu hướng gia tăng
          Từ cuối năm 2023 đến nay, thế giới ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng vi rút cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
          Tại Việt Nam, tháng 03/2024 ghi nhận 01 trường hợp mắc H5N1 tử vong tại Khánh Hòa. Đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%).
Cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào ?
          Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc vi rút có thể lây nhiễm từ người sang người, những trường hợp mắc cúm gia cầm thường có liên quan tới việc tiếp xúc với gia cầm sống hay gia cầm bị nhiễm bệnh chết. Bệnh có thể lây nhiễm từ gia cầm bị bệnh sang người qua những con đường như:
- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh chẳng hạn như giết mổ, mua bán, vận chuyển, sờ hoặc cầm vào gia cầm nhiễm bệnh.
- Lây gián tiếp qua đường ăn, uống: ăn phải thịt của gia cầm đã nhiễm bệnh, ăn các món ăn chế biến từ gia cầm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, trứng chưa luộc chín kỹ...
Người mắc cúm gia cầm có những triệu chứng gì ?
- Sốt cao (39o-40oC) kèm rét run trong những ngày đầu, sau đó giảm dần và trở lại bình thường trong vòng 1 tuần kèm theo hội chứng nhiễm trùng với các triệu chứng mệt mỏi toàn thân, chán ăn…
- Nhức đầu quanh hốc mắt, vùng trán hay thái dương, có thể ở vùng chẩm;
- Đau cơ khớp toàn thân
- Các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên: sổ mũi, ho khan, có thể có đàm, rát họng.  
Bệnh cúm gia cầm lây sang người có nguy hiểm hay không ?
          Bệnh cúm gia cầm lây sang người có khả năng xuất hiện biến chứng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Một số trường hợp bệnh có biến chứng tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng: thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm…
- Biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
- Các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo.
Đối tượng nào dễ xảy ra biến chứng ?
- Trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải
- Người già trên 65 tuổi
- Phụ nữ có thai
- Người lớn mắc các bệnh mạn tính
- Suy giảm miễn dịch (đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
Phải xử trí như thế nào đối với người nghi mắc cúm gia cầm ?
          Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm gia cầm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận/huyện, Trạm Y tế xã/phường).
Nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh để có biện pháp xử trí thích hợp. Thuốc kháng vi rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định. 
Có những biện pháp nào để phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người ?
- Phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người
+ Không tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.
+ Không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
+ Khi đã biết rõ nguồn gốc xuất xứ của gia cầm vẫn nên đảm bảo ăn chín uống sôi. Sau khi chế biến, cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến.
+ Không nên sờ hay chạm vào gia cầm. Trong trường hợp đã sờ, chạm vào gia cầm thì nên rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó, dù chưa biết gia cầm có bệnh hay không.
+ Đeo khẩu trang trong lúc dọn dẹp chuồng trại hoặc chăm sóc gia cầm.
+ Không giết mổ gia cầm bị ốm, đã chết mà cần thông báo đến các cơ quan chức năng của địa phương. Trong trường hợp giết mổ thì cần chuẩn bị những trang bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang. Đặc biệt lưu ý không tiếp xúc với lông, chất thải hoặc máu của gia cầm.
- Các biện pháp khác
+ Hạn chế tiếp xúc với người bệnh/người nghi nhiễm cúm, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang đúng quy định.
+ Hạn chế tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
+ Thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn buồng bệnh, quần áo, dụng cụ của người bệnh. Các chất thải phát sinh trong quá trình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh mắc cúm gia cầm phải được xử lý như chất thải y tế nguy hại.

Tác giả: Bs Phan Châu Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây