TÁC DỤNG PHỤ KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19: SAO NGƯỜI BỊ NGƯỜI KHÔNG?
Thứ sáu - 30/07/2021 22:13
Tác dụng phụ của vắc xin ngừa COVID-19 xảy ra khác nhau tùy thuộc vào cách phản ứng của cơ thể mỗi người, và liên quan các yếu tố khác như độ tuổi, giới tính.
Nhiều loại vắc xin ngừa COVID-19 trên thế giới đã được chứng minh là có hiệu quả hạn chế tỉ lệ lây nhiễm. Tất nhiên, tác dụng phụ là thứ luôn đi kèm với mọi loại vắc xin, từ những triệu chứng nhẹ cho đến nghiêm trọng.
Với số người được tiêm chủng ngày càng tăng, rõ ràng các tác dụng phụ xảy ra không đồng đều với tất cả mọi người. Một số gặp phải phản ứng rất bình thường, một số ít rặp phản ứng nặng, nhưng cũng có người lại không gặp tác dụng phụ nào.
Vì sao lại xảy ra phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin?
Khi tiếp xúc với kháng nguyên từ vắc xin, hệ thống miễn dịch của con người bắt đầu hoạt động. Trong khi vắc xin gửi các tế bào bạch cầu và kháng thể phòng thủ chống lại mầm bệnh vào cơ thể, những thành phần này cũng thúc đẩy cơ thể phản ứng, khiến một số người gặp các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh. Đây cũng là những phản ứng phụ mà nhiều người thường gặp sau khi được tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, còn một số tác dụng phụ bất thường hoặc phản ứng nặng khác cũng có thể xảy ra, tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người phản ứng với thuốc được tiêm.
Tuỳ thuộc cách phản ứng khác nhau của cơ thể mỗi người
Không có hai cơ thể nào gặp phản ứng phụ giống nhau với cùng một loại vắc xin. Các loại vắc xin khác nhau cũng sẽ có các tác dụng phụ khác nhau. Do đó, việc một người gặp phản ứng với vắc xin hoặc có các phản ứng giống như người khác hay không phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch của cá nhân đó phản ứng thế nào với kháng nguyên trong vắc xin.
Các thử nghiệm lâm sàng trước đó của loại vắc xin do tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer sản xuất cho thấy hơn 50% số người tham gia không gặp phải tác dụng phụ sau khi tiêm và vẫn tạo được kháng thể.
Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, giới tính, khả năng miễn dịch sẵn có, tình trạng sức khỏe, các loại thuốc khác đang sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng phụ mà người tiêm gặp phải. Đây là một trong những lý do tại sao những người trẻ tuổi ghi nhận nhiều tác dụng phụ hơn những người lớn tuổi. Phụ nữ thường dễ gặp tác dụng phụ hơn đàn ông
Một số nghiên cứu khác cho biết giới tính cũng là yếu tố quyết định mức tác dụng phụ của vắc xin. Theo đó, phụ nữ thường có xu hướng trải qua các phản ứng phụ gay gắt và dữ dội hơn so với đàn ông. Điều này cũng dẫn đến sự khác biệt trong báo cáo các triệu chứng xảy ra giữa người nam và người nữ.
Một trong những lý do vì sao phụ nữ có xu hướng gặp nhiều tác dụng phụ hơn có thể do hormone trong cơ thể tương tác với hệ thống miễn dịch mạnh hơn. Giải thích rõ hơn, nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ tăng cao có thể dẫn đến nhiều phản ứng hơn và cũng kéo dài thời gian bị tác dụng phụ. Sự can thiệp của nội tiết tố cũng có thể khiến phái nữ gặp một số tác dụng phụ khác nhau, chẳng hạn như sưng hạch bạch huyết dưới cánh tay.
Có đáng lo khi không gặp tác dụng phụ?
Một câu hỏi khác, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, liệu đó có nghĩa là vắc xin của bạn không hoạt động hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, nhiều chuyên gia khẳng định không có gì lo lắng nếu như bạn không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào. Mọi loại vắc xin đều hoạt động theo cách giống nhau và việc không cảm nhận bất kỳ tác dụng phụ nào, hoặc những tác dụng phụ có thể khó nhận thấy chỉ có nghĩa là cơ thể bạn đang phản ứng với kháng nguyên của vắc xin theo cách khác.
Có thể xảy ra những trường hợp như một người không bị phản ứng phụ sau lần tiêm đầu tiên nhưng lại bị ở liều thứ hai. Hoặc một trường hợp “may mắn” có thể xảy ra là người được tiêm hoàn toàn không gặp bất kỳ phản ứng nào.
Miễn là vắc xin tiêm vào người bạn sản xuất đủ lượng kháng thể cần thiết và bạn tuân thủ tối đa các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thì không có gì để lo lắng cả.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...