Với AI, ngành y sẽ có bước phát triển vượt trội trong hoạt động khám, chẩn đoán bệnh, xác định phác độ điều trị bệnh nhân, quản lý bệnh viện...
Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp. Dự báo đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Còn trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI.
Tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo trong Y tế do FPT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 22/2, ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng cục CNTT - Bộ Y tế, cho biết các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã có từ cách đây 20 năm nhưng phần lớn chỉ mang tính lý thuyết. Nhưng hiện nay, AI trong y tế đã khác và đang phát triển rất nhanh trên toàn cầu. Ngay tại Việt Nam cũng đã có hệ thống AI chẩn đoán ung thư được vận hành trên thực tế và được các chuyên gia về y tế đánh giá cao
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại Học Toulouse (Pháp) cũng cho biết, thị trường AI trên thế giới đang tăng trưởng ở mức 36% mỗi năm, tạo nên một cuộc chạy đua lớn, nơi ai cũng cần xây dựng chiến lược về AI để khỏi bị lạc hậu, đào thải. Nếu không có chính sách đầu tư cho AI thì sẽ sớm đi theo vết xe đổ của những thương hiệu vang bóng một thời như Nokia, Kodak, Xerox...
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo trong y tế. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Hiện các công ty công nghệ lớn tại Mỹ cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực y tế với mục tiêu tạo ra những 'bác sĩ AI". Có thể kể đến hệ thống IBM Watson được phát triển để chẩn đoán ung thư. Với khả năng đọc 40 triệu tài liệu trong vòng 15 giây để phân tích và tổng hợp khối lượng thông tin khổng lồ về những ca bệnh tương tự, hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology (WFO) có thể đưa ra được những phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân ung thư để các bác sĩ tham khảo trước khi đưa ra quyết định về hướng điều trị.
Hay công nghệ Google Deepmind được Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (UK National Health Services) dùng để tìm nguy cơ ung thư qua số liệu thu thâp từ ứng dụng di động. Công ty Microsoft cũng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh mù loà...
Trong khi đó, GS.TS Hồ Tú Bảo, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, chia sẻ việc xây dựng và khai thác bệnh án điện tử ở thế giới và Việt Nam với trí tuệ nhân tạo. Đây là những thành phần cốt lõi của hạ tầng số ngành Y trong thời chuyển đổi số. Theo ông Hồ Tú Bảo, việc ứng dụng AI để khai thác dữ liệu bệnh án điện tử sẽ tạo ra một cuộc tiến hóa trong ngành y.
Là doanh nghiệp CNTT tiên phong chuyển đổi số với gần 20 năm kinh nghiệm cung cấp hệ thống CNTT cho ngành y tế, FPT cũng giới thiệu hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0 với nỗ lực thúc đẩy phát triển y tế thông minh tại Việt Nam cũng như công cuộc chuyển đổi số của quốc gia. Hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital tích hợp AI và công nghệ mới giúp bệnh viện quản lý, vận hành trực tuyến theo thời gian thực; hỗ trợ các bác sĩ tối ưu hóa công việc khám chữa bệnh với độ chính xác cao và giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi đăng ký từ bốn phút xuống còn một phút.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT Software, cho biết: "Y tế là một trong những lĩnh vực trọng điểm FPT ưu tiên dành nguồn lực trong chiến lược chuyển đổi số vì mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người dân, cũng như nếu triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển y tế thông minh, chính phủ số tại Việt Nam".
Bộ Y tế đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh. Trong đó, bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được bắt buộc triển khai từ tháng 3/2019. Trong giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử - "phiên bản số" của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn