6 2 banner2 1

Bệnh sởi gia tăng: Đề phòng lây nhiễm chéo

Thứ sáu - 15/02/2019 22:18
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra. Bệnh dễ dàng lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Các chuyên gia cảnh báo, cần tiêm đúng lịch và đủ mũi vaccine phòng bệnh cho trẻ và thực hiện tốt cách ly để virus sởi không phát tán rộng ra cộng đồng nếu không may mắc bệnh.
Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Dịch sởi gia tăng trên thế giới và Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngay đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Uraina và Hoa Kỳ. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch sởi.

Theo các nhà khoa học, dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi không đạt yêu cầu. Điều này sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vaccine sởi thông thường.

Ở nước ta, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn, nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine sởi đầy đủ như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Chỉ tính trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua (từ 2/2-10/2), cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có trường hợp tử vong.

Đặc biệt, tại Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh nhân mắc sởi đang gia tăng cao, xuất hiện ở 20 quận huyện, với 114 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng rất nhiều so với cùng kỳ của năm ngoái (cùng kỳ năm 2018 có 8 trường hợp mắc bệnh).

Theo các chuyên gia, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phát triển, đặc biệt trong dịp lễ hội đầu năm có sự giao lưu cộng đồng lớn.

Phải kiểm soát trẻ trong 14-18 ngày đủ để đảm bảo chắc chắn trẻ không lây nhiễm khi bắt đầu tiếp xúc với bệnh sởi. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Phải kiểm soát trẻ trong 14-18 ngày đủ để đảm bảo chắc chắn trẻ không lây nhiễm khi bắt đầu tiếp xúc với bệnh sởi. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Phải cách ly người bệnh, tránh lây nhiễm chéo

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, đặc biệt dịch bệnh này thường có chu kỳ 4 - 5 năm một lần, năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch vì cộng dồn số lượng người chưa được tiêm phòng sởi tăng lên khiến tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng chưa cao nên rất dễ bùng phát dịch nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh.

Đối với vaccine sởi, hãy đưa trẻ từ 9 tháng tuổi nếu chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi sởi thì đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bài học từ dịch sởi năm 2014 khiến nhiều trẻ tử vong được xác định nguyên nhân là do trẻ bị lây nhiễm chéo từ bệnh viện, khiến trẻ mắc bệnh có sức đề kháng kém, dễ lây bệnh khác đồng thời.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ mắc sởi phải được điều trị ở khu vực riêng, có cửa trước, cửa sau và phải thông khoáng khí, không nên đưa trẻ đi chụp chiếu, xét nghiệm ở khu vực khác hoặc ngoài khu vực cách ly, vì như thế, vô hình chung sẽ đem virus sởi phát tán ra bên ngoài.

“Giai đoạn khi chưa được phát hiện bệnh là giai đoạn dễ lây bệnh mạnh nhất, những người đó cần phải được cách ly, phòng ngừa và quản lý phơi nhiễm thật tốt, phải giám sát, kiểm soát trẻ trong 14-18 ngày đủ để đảm bảo chắc chắn trẻ không lây nhiễm khi bắt đầu tiếp xúc với bệnh sởi”, ông Trần Minh Điển chia sẻ./.

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây