Phát triển văn hóa đọc – nơi dung dưỡng tâm hồn và tri thức

Thứ năm - 15/05/2025 21:36
Trong thời đại kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, thói quen đọc sách dường như đang dần bị lu mờ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng văn hóa đọc vẫn giữ một vai trò thiết yếu trong việc hình thành nhân cách, phát triển tư duy và bồi dưỡng tâm hồn con người. Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hành vi tiếp nhận thông tin mà còn là một biểu hiện của tri thức, của nhu cầu khám phá, học hỏi không ngừng trong mỗi cá nhân.
 Văn hóa đọc - Gốc rễ của tri thức
Từ ngàn đời nay, sách luôn được xem là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Những trang sách mở ra cả một thế giới tri thức rộng lớn, giúp con người vượt qua ranh giới của không gian và thời gian, tiếp cận với những tư tưởng, giá trị nhân văn, thành tựu khoa học và kinh nghiệm sống quý báu. Văn hóa đọc chính là biểu hiện của một xã hội coi trọng học tập, coi trọng sự phát triển trí tuệ và nhân cách.
đọc sách
Đọc sách để phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần ham đọc, ham học. Người đã từng dạy: "Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, có thể đọc được là tôi đọc". Văn hóa đọc vì thế không chỉ dừng lại ở hành động đọc sách mà còn bao gồm ý thức học tập suốt đời, hình thành nên một thế hệ công dân có trách nhiệm, biết suy nghĩ độc lập và có khả năng sáng tạo.
Thực trạng văn hóa đọc hiện nay
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự xuất hiện tràn lan của các loại hình giải trí trực tuyến, thói quen đọc sách, đặc biệt là đọc sách giấy, đang có dấu hiệu giảm sút, nhất là trong giới trẻ. Nhiều người dành phần lớn thời gian để lướt mạng xã hội, xem video ngắn thay vì đầu tư thời gian cho việc đọc những cuốn sách chất lượng.
Tuy nhiên, công nghệ cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới cho việc phát triển văn hóa đọc. Việc đọc sách điện tử, nghe sách nói, tham gia các câu lạc bộ đọc sách online đang ngày càng phổ biến. Điều quan trọng là phải biết chọn lọc nội dung phù hợp, nâng cao chất lượng đọc và nuôi dưỡng thói quen đọc bền vững.
Xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc - Trách nhiệm của toàn xã hội
Xây dựng văn hóa đọc là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó gia đình là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu sách. Việc cha mẹ thường xuyên đọc sách cùng con, dành không gian và thời gian cho việc đọc chính là nền tảng hình thành thói quen tốt này; Nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích học sinh đọc sách ngoài sách giáo khoa, tổ chức các hoạt động như “Ngày hội đọc sách”, “Thư viện thân thiện” để học sinh thấy việc đọc là một trải nghiệm thú vị;  Xã hội cần có những chính sách hỗ trợ ngành xuất bản, phát triển hệ thống thư viện công cộng, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
đọc sách
Đà Nẵng tổ chức "Ngày Sách và Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2025" tại công viên APEC

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là cơ hội để tôn vinh giá trị của sách, người làm sách và khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng. Các hoạt động như hội sách, tọa đàm tác giả - bạn đọc, trao đổi sách cũ, ra mắt sách mới… đã và đang góp phần làm sống dậy không gian văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Tại Đà Nẵng, văn hóa đọc cũng đang phát triển mạnh mẽ, điều đó được ghi nhận thông qua những cuộc thi viết, phong trào phát động đọc sách, và nhiều điểm đọc mới mẻ, hấp dẫn được duy trì, mở mới nhằm thu hút độc giả mọi tầng lớp. Bên cạnh đó còn có sự quan tâm của các cấp chính quyền, tuyên truyền kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau phát triển văn hóa đọc cũng như hưởng ứng ngày hội đọc sách.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025, Đà Nẵng đã sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động để học sinh, người dân tham gia như tổ chức Cuộc thi Xếp sách và Sân khấu hóa các tác phẩm văn học trong nhà trường, Ngày hội Sách - Cánh cửa tri thức, Hội thi "Thuyết trình giới thiệu sách của học sinh khối THCS"; Hội thi “Kể chuyện theo sách” cho khối tiểu học, biểu diễn, giao lưu nghệ thuật giữa các nhóm nhạc và khán giả. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn nhân rộng nhiều mô hình Phòng đọc sách cộng đồng tại các quận, huyện, thu hút đông đảo nhân dân cùng đến đọc,…
Để phong trào đọc sách ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, Đà Nẵng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động văn hóa đọc. Trong đó đẩy mạnh sự kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của chuyển đổi số như xu hướng đọc sách số, sách âm thanh, sách tương tác và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo. Đồng thời tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet,…
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, văn hóa đọc càng cần được quan tâm đúng mức. Bởi vì chỉ có tri thức mới là con đường bền vững đưa con người và quốc gia vươn tới sự phát triển toàn diện, nhân văn và bền vững./.
Hồng Hoa (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây