Y tế cơ sở được xem là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Thứ ba - 27/02/2024 22:46
Ngày 23/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, nhằm hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối cũng như hỗ trợ việc tái lập sự cân bằng hợp lý giữa các thành tố trong chuỗi chăm sóc sức khoẻ, qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm quá tải bệnh viện...
Như chúng ta đã biết, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang gặp phải những thách thức không nhỏ liên quan tới sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm; tốc độ già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa cùng xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao...
Bên cạnh đó, xét chung trên bối cảnh toàn cầu, hiên nay người ta nói nhân loại đang bước vào kỷ nguyên VUCA, với các đặc tính Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Điều này đòi hỏi mọi Hệ thống Y tế phải có nền tảng bền vững (về cấu trúc, nhân lực, kỹ thuật và tài chính) đồng thời cần linh hoạt, sáng tạo và liên tục đổi mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng và sức chống chịu với những thách thức mới.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có hai thuộc tính cơ bản, có là tính Kế thừa và Phát triển, theo đó Chiến lược được xây dựng dựa trên sự kế thừa những định hướng lâu dài mang tính nền tảng (như định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển) mà chúng ta đã xác định trong nhiều năm qua đồng thời bổ sung những định hướng phát triển mới phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng dựa trên 5 quan điểm cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất là quan điểm về phát triển hệ thống y tế: kế thừa định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển nhưng bổ sung thêm một số định hướng mới (như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khả năng chống chịu và duy trì bền vững) để đảm bảo sự thích ứng linh hoạt và hiệu quả của hệ thống y tế trong giai đoạn mới (có nhiều yếu tố biến động phức tạp cũng như có nguy cơ về các cú sốc ảnh hưởng tới an ninh y tế), đồng thời xác định rõ sự phát triển và đổi mới hệ thống y tế phải nhằm hướng tới mục tiêu mong muốn là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thứ hai là quan điểm về nguyên tắc chăm sóc sức khỏe (nhấn mạnh các yếu tố công bằng, giá trị con người, chất lượng và sự bảo vệ tài chính), theo đó chăm sóc sức khỏe phải dựa trên nhu cầu (chứ không căn cứ vào sức mua) và cần lấy người dân làm trung tâm để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Thứ ba là quan điểm về phương thức chủ chốt để đảm bảo chăm sóc sức khỏe hiệu quả (với trọng tâm công bằng, hiệu quả chi phí và an toàn trong tình huống khẩn cấp), bao gồm phòng bệnh hơn chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe từ sớm ngay tại cơ sở; ứng phó kịp thời với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về an ninh y tế; và khẳng định vai trò chủ chốt của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản.
Thứ tư là quan điểm về công tác dân số, theo đó cần chú trọng toàn diện các mặt của công tác dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số), tận dụng tối đa cơ hội (cơ cấu dân số vàng) và thích ứng hiệu quả vớ thách thức (già hóa dân số).
Thứ năm là quan điểm về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe theo đó bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của hệ thống chính trị và toàn xã hội, với nòng cốt là ngành Y tế. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với xu hướng có tính chất toàn cầu hiện nay về trao quyền cho cá nhân và cộng đồng nhằm tối ưu hóa sức khỏe, khuyến khích sự phối hợp liên ngành và sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong chăm sóc sức khỏe.
TYT

Y tế cơ sở, với vai trò là nền tảng của hệ thống y tế, được xem là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, chúng ta có thể thấy toàn bộ cả 5 quan điểm cơ bản của Chiến lược đều có sự liên quan trực tiếp tới y tế cơ sở, chẳng hạn:
Đối với quan điểm về phát triển hệ thống y tế, y tế cơ sở với chức năng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu vốn có đã được minh chứng có ưu thế vượt trội về diện bao phủ, tính công bằng và hiệu quả chi phí được xem là yếu tố nền tảng để đảm bảo định hướng công bằng, hiệu quả trong phát triển Hệ thống Y tế cũng như là phương thức tiếp cận tối ưu để hiện thực hóa mục tiêu cần hướng tới là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Đối với quan điểm về nguyên tắc chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở, với đặc thù dịch vụ chi phí thấp và có mạng lưới phát triển rộng khắp, được xem là trụ cột tin cậy đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như đảm bảo khả năng bảo vệ tài chính.
Đối với quan điểm về phương thức chăm sóc sức khỏe, dự phòng chủ động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tại y tế cơ sở đã được xác định rõ là những phương thức chăm sóc sức khỏe hiệu quả cần được ưu tiên.
Tương tự, quan điểm về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cũng phản ánh xu hướng chuyển đổi có tính chất toàn cầu hiện nay về chăm sóc sức khỏe ban đầu./.
Hữu Quý
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây