Bước đột phá trong điều trị ung thư giai đoạn muộn

Thứ hai - 17/02/2025 20:56
Sự kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và hóa trị đang mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn. Những tiến bộ trong y học không chỉ mang lại cơ hội sống cho người bệnh mà còn giúp họ tìm lại niềm tin, động lực để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Câu chuyện về ca bệnh đặc biệt
Tháng 3/2024, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân P.Đ.T., 69 tuổi, cư trú tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng đau cổ, khó nuốt, gặp khó khăn trong ăn uống, cơ thể mệt mỏi và sụt cân nghiêm trọng. Trước đó, ông T. từng điều trị ung thư đại trực tràng vào năm 2016 – 2017. Tuy nhiên, sau khi điều trị và sức khỏe hồi phục tốt, ông chủ quan không thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Qua chẩn đoán hình ảnh, kết quả CT Scanner cho thấy thực quản đoạn 1/3 giữa có phần thành dày không đều, với độ dày dưới 10mm và kéo dài khoảng 55mm. Sau các xét nghiệm cận lâm sàng và mô bệnh học khối u, các bác sĩ kết luận đây là một trường hợp ung thư thực quản mới, không liên quan đến tiền sử ung thư đại trực tràng trước đó.
Từ tháng 3/2024 đến tháng 5/2024, bệnh nhân được điều trị bằng hóa xạ trị đồng thời và được theo dõi chặt chẽ sau khi xuất viện. Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, hình ảnh CT phát hiện tổn thương gan đa ổ, với nốt lớn nhất có kích thước 20mm, xác định là di căn gan. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn IV, di căn gan.
K thực quản
Tổn thương gan đa ổ, nốt lớn nhất 20mm ở hạ phân thuỳ VII

Trước tình trạng sức khỏe và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Lan Hương cùng các bác sĩ Khoa Nội 1 quyết định áp dụng phương pháp điều trị toàn thân, sử dụng phác đồ hóa trị Cisplatin-5FU kết hợp với thuốc miễn dịch pembrolizumab. Kết quả đáng mừng đã xuất hiện sau ba chu kỳ điều trị: nốt gan từ kích thước 20mm giảm xuống còn 8mm, nhiều tổn thương gan trước đó không còn xuất hiện trên phim CT. Sau sáu chu kỳ điều trị (từ tháng 10/2024), hình ảnh tổn thương gan và thực quản hoàn toàn biến mất trên phim chụp CT. Bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, tăng cân, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại.
K thực quản
Nốt gan không còn thấy trên phim CT sau 6 lần hoá trị

Sau tám năm kể từ lần điều trị ung thư đại tràng, ông T. và gia đình tiếp tục đặt niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Dù trải qua những khó khăn trong quá trình hóa trị, bệnh nhân vẫn kiên trì nhờ sự động viên từ các bác sĩ và sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y tế.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư thực quản
Ung thư thực quản là căn bệnh có tỷ lệ mắc không cao (đứng thứ 11 thế giới theo GLOBOCAN 2022), nhưng tỷ lệ tử vong lại rất đáng lo ngại, xếp thứ 7 toàn cầu. Châu Á là khu vực có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất, chiếm 70% số ca trên thế giới. Một trong những thách thức lớn nhất trong điều trị ung thư thực quản là phần lớn bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi khối u đã xâm lấn vào các cơ quan quan trọng như mạch máu lớn, khí quản, màng phổi hoặc màng tim. Điều này khiến việc phẫu thuật hay xạ trị gặp nhiều trở ngại. Ở Việt Nam, khoảng 70% bệnh nhân ung thư thực quản được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi các phương pháp điều trị triệt để không còn khả thi. Lúc này, điều trị toàn thân là lựa chọn chính nhằm kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bác sĩ Lan Hương chia sẻ: "Hóa trị vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu đối với ung thư thực quản giai đoạn muộn. Những năm gần đây, với sự phát triển trong nghiên cứu về hồ sơ phân tử và vi môi trường khối u, nhiều loại thuốc mới đã ra đời, trong đó có Pembrolizumab – một chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Loại thuốc này giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tăng cường khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư." Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân đã có đáp ứng tốt khi áp dụng phác đồ kết hợp pembrolizumab và hóa trị, giúp kiểm soát triệu chứng và kéo dài thời gian sống. Phương pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ ràng với bệnh nhân T., khi hình ảnh tổn thương biến mất trên phim CT sau sáu chu kỳ điều trị.
Niềm hy vọng cho bệnh nhân ung thư thực quản
Sự kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và hóa trị đang mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn. Kết quả khả quan từ những ca điều trị thành công như bệnh nhân T. giúp khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này và thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi hơn trong thực tế. "Chúng tôi mong muốn phương pháp này ngày càng được áp dụng nhiều hơn để mang lại lợi ích cho bệnh nhân, ngày càng có nhiều bệnh nhân ung thư thực quản được “lui bệnh và giảm bệnh”, bác sĩ Lan Hương nhấn mạnh. Những tiến bộ trong y học không chỉ mang lại cơ hội sống cho người bệnh mà còn giúp họ tìm lại niềm tin, động lực để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Điều này thực sự là một ánh sáng hy vọng cho những bệnh nhân ung thư thực quản và gia đình họ./.
Anh Thơ
(Theo Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây