Phòng Kangaroo của Bệnh viện Phụ Sản-Nhi Đà Nẵng - Mô hình cần nhân rộng

Thứ sáu - 04/10/2024 22:29
Sinh non hoặc nhẹ cân không những là nguyên nhân gây tử vong sơ sinh hàng đầu ở nước ta mà còn có nguy cơ để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ như các bệnh về mắt, tai, bệnh lý hô hấp, tuần hoàn, chuyển hóa và chậm phát triển thể chất, tâm thần, vận động. Chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo (Kangaroo Mother Care - viết tắt là KMC) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế cho trẻ sinh non, nhẹ cân nhằm giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật.
NCBSM 1

Kỹ thuật KMC nhằm mục đích duy trì mối quan hệ gắn bó mẹ con và hỗ trợ cho các nhu cầu thiết yếu của trẻ sinh non như giữ ấm, tránh hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, nhanh chóng ổn định hô hấp và tuần hoàn sau sinh. KMC cũng giúp tăng dung nạp sữa, tác động tích cực đến sự phát triển thể chất và hệ thần kinh của trẻ, giảm các nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh; đồng thời, giúp bà mẹ giảm căng thẳng, tăng tỷ lệ bú mẹ thành công, giúp co hồi tử cung, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.
 Tất cả các trẻ sinh non, sinh nhẹ cân đều có thể áp dụng phương pháp KMC ngoại trừ những trẻ suy hô hấp nặng và có biểu hiện rối loạn huyết động cần phải thở máy xâm lấn và dùng thuốc vận mạch. Cả 3  tuyến y tế (từ nơi khám chữa bệnh ban đầu cho đến các đơn vị khám chữa bệnh chuyên sâu) tùy vào trang bị, cơ sở vật chất và nhân lực được đào tạo đều triển khai được phương pháp KMC. Đặc biệt KMC cần thực hiện đầy đủ trong quá trình chuyển tuyến, chuyển viện để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Từ năm 2014, Bô Y tế đã ban hành Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo. Tại thành phố Đà Nẵng, phương pháp KMC đã được thúc đẩy triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến quận/huyện đến thành phố, bao gồm cả y tế tư nhân trong nhiều năm. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng tại các tuyến y tế, các cơ sở khám chữa bệnh chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính liên tục và rộng rãi. Trong khi đó, ngành y tế thành phố Đà Nẵng tự hào có điểm sáng, thu hút sự quan tâm, học hỏi không những từ các tỉnh thành trên toàn quốc mà còn có tầm ảnh hưởng lan tỏa trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
 Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng với vai trò bệnh viện đầu ngành được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến khu vực, là một trong số ít bệnh viện luôn tiên phong trong các can thiệp chăm sóc cơ bản, thiết yếu  cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên toàn quốc và bắt nhịp kịp thời với các tiến bộ của thế giới. Mô hình KMC tại bệnh viện là một thí dụ điển hình không những về tính đồng bộ, chuẩn chỉnh trong quy trình kỹ thuật; trong đúc kết, đóng góp bằng chứng y học về chăm sóc bà mẹ trẻ sơ sinh; trong đào tạo liên tục cho cán bộ y tế mà còn mang tính sáng tạo trong thực hành truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Đây là bệnh viện đầu tiên trong toàn quốc thành lập và duy trì vận hành Ngân hàng sữa mẹ, đồng thời cũng là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế công nhận danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc vào năm 2019.
 Đặc biệt, phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe Bệnh viện đang áp dụng tại phòng Kamgaroo thể hiện tính sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Những bức tranh mang theo các thông điệp vẽ trên tường dường như đã biến phòng bệnh nặng nề với đủ thứ đặc trưng của bệnh viện (máy móc, thiết bị y tế, mùi thuốc, mùi chất tiết…) trở nên nghệ thuật, vui mắt và đầy sức sống hơn. Phòng bệnh biến thành một cuốn sách giáo khoa thường thức về phương pháp Kangaroo và nuôi con bằng sữa mẹ. Những nội dung tư vấn, hướng dẫn cụ thể, chi tiết đập vào mắt các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ hàng ngày sẽ dần in vào trong tiềm thức họ một cách tự nhiên nhất trong suốt quá trình nằm viện dài ngày của trẻ.
NCBSM 2

Tại Bệnh viện, cán bộ y tế đóng vai trò hỗ trợ thực hành mà không cần phải tốn nhiều công sức giới thiệu và giảng giải. Các bậc cha mẹ, người nuôi trẻ được kích thích tự học hỏi và nhìn nhau để hoàn thiện kỹ năng thực hành. Và một cách tự nhiên, nam giới tự nhận thức và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cùng vợ; người thân trong gia đình tự nhận thức, học cách hỗ trợ bà mẹ nuôi trẻ. Tình yêu thương và bình đẳng giới ươm mầm từ đây.
Ngày 25/9/2024, đoàn đánh giá gia hạn danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã thẩm định lại và kết quả là Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng đạt tất cả các tiêu chí đánh giá của Bộ Y tế quy định; trong đó thực hành chăm sóc thiết yếu sớm cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau đẻ, sau mổ (EENC) và thực hành phương pháp Kangaroo (KMC) được đoàn đề xuất là mô hình kiểu mẫu, cần phổ biến nhân rộng tại các cơ sở khám chữa bệnh tại thành phố./.
                                                                                                             N. T. Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây