Phát hiện con không có tinh hoàn từ nhỏ nhưng không điều trị vì nghĩ…bình thường

Thứ hai - 05/08/2024 21:24
Một bé trai có tinh hoàn trái lạc chỗ nằm trong ổ bụng vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu – Nam khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, đảm bảo chức năng sinh sản và nội tiết khi trưởng thành.
BVHM1

Bố bệnh nhân cho biết: “Từ nhỏ đã phát hiện con không có tinh hoàn trái, nhưng thấy con vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt, vui chơi như trẻ bình thường nên nghĩ không sao, cũng trì hoãn việc đưa con đi khám. Gần đây thi thoảng khi chơi thể thao, con có đau bẹn trái nên gia đình đưa con đi khám”.
Tại phòng khám Tiết niệu – Nam khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng bé K. được bác sĩ thăm khám, đánh giá và thực hiện thêm cận lâm sàng như siêu âm, CT scan để chẩn đoán xác định.
“Khi tiếp nhận, chúng tôi tiến hành thăm khám, xác định chỉ có tinh hoàn phải ở trong bìu, còn tinh hoàn trái không có ở bìu, và khám không thấy ở ống bẹn trái. Do đó trẻ được chỉ định siêu âm, chụp cắt lớp vi tính để tìm kiếm chính xác vị trí của tinh hoàn trái. Kết quả cận lâm sàng cho thấy tinh hoàn trái của trẻ nằm lạc chỗ trong ổ bụng. Với tình trạng này bé cần được can thiệp phẫu thuật sớm để đưa tinh hoàn về đúng vị trí ” – BS. Bùi Quốc Triệu – Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu – Nam khoa, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết.
 
BVHM2
Tinh hoàn của bệnh nhân lạc ở ổ bụng

Sau hội chẩn chuyên khoa, và thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán ung thư hóa, kíp mổ do Bs. Triệu phụ trách cùng các bác sĩ Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật nội soi qua ổ bụng, hạ tinh hoàn trái xuống bìu 1 thì và cố định tinh hoàn ở bìu cho trẻ.
Chưa đầy 60 phút phẫu thuật nội soi ổ bụng đưa tinh hoàn trái xuống bìu, bé N.V.B.K (14 tuổi, trú TP. Đà Nẵng) đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện về nhà sau 2 ngày điều trị.
Tinh hoàn lạc chỗ, không điều trị sớm dễ vô sinh
Tinh hoàn không nằm ở bìu mà nằm ở bẹn hay trong ổ bụng là bất thường bẩm sinh phổ biến ở bé trai. Khoảng 1-3% bé trai đủ tháng mắc bệnh khi mới sinh. Trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ mắc cao hơn.
bvhm3

Không phát hiện và điều trị sớm, nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ khi lớn từ bệnh tinh hoàn ẩn là teo tinh hoàn, không có khả năng sinh tinh, thậm chí là ung thư. Khả năng tinh hoàn tự xuống bìu sau 6 tháng tuổi là cực kì thấp, do vậy bố mẹ nên đưa trẻ đến điều trị sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu – Nam khoa uy tín. Trẻ bị tinh hoàn ẩn tốt nhất nên được phẫu thuật trong vòng 12 tháng đầu đời.
Nhận biết tinh hoàn ẩn ở bé trai không khó. Bố mẹ cần quan sát hình thái bất thường ở bìu của trẻ sau sinh: bìu có thể trông nhỏ và kém phát triển; bìu có thế mất đối xứng (nếu trẻ chỉ có 1 bên tinh hoàn); tinh hoàn thoát ẩn thoát hiện (có lúc thấy tinh hoàn ở bìu, có lúc lại không),… Quan sát bìu trẻ có những biểu hiện bất thường bố mẹ cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế có chuyên môn để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, phẫu thuật tinh hoàn ẩn ở trẻ được tiến hành bằng phương pháp nội soi (tinh hoàn ở ổ bụng), hoặc ít xâm lấn với đường rạch nhỏ chỉ 2cm, thời gian thực hiện nhanh chóng trong vòng 60 phút. Cùng với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị giúp rút ngắn thời gian hồi phục, giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cho người bệnh.
Anh Thơ
(Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây