Tình trạng thiếu hụt kháng thể đối với vi rút sởi ở phụ nữ có thai và nguy cơ mắc sởi ở trẻ sau sinh

Thứ ba - 08/01/2019 01:57
Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ, sau nhiều năm triển khai tiêm chủng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do sởi. Tuy nhiên, đến nay các vụ dịch sởi vẫn xảy ...

Tình trạng có kháng thể kháng vi rút sởi ở phụ nữ có thai và tình trạng tồn lưu kháng thể truyền từ mẹ sang con sau sinh nên vẫn có nguy cơ mắc sởi ở trẻ sau sinh, đặc biệt ở nhóm phụ nữ có thai trẻ tuổi nhiều hơn ở nhóm phụ nữ có thai lớn tuổi hơn và tồn lưu kháng thể ở trẻ sau sinh giảm sớm và nhanh, đặc biệt là trẻ sinh ra từ các bà mẹ trẻ tuổi.

Điều tra tiêm chủng tại huyện Ba Vì, Hà Nội (ảnh Duy Tuân)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước khi có vắc xin, khoảng 90% số người bị mắc bệnh sởi trước 20 tuổi, trước năm 1980, bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Bệnh sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu, mặc dù đã có vắc xin an toàn và hiệu quả trong nhiều năm nay. Chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu hoạt động năm 1974 và phát triển rất nhanh với nhiều thành quả bảo vệ sức khỏe được ghi nhận. Đến nay, có 190 quốc gia thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng với gần 30 loại vắc xin. Năm 2012, các quốc gia thành viên đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại 5 khu vực vào năm 2020 và khẳng định chiến lược hàng đầu để đạt mục tiêu là tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi đạt tỉ lệ cao, đảm bảo trên 95% cộng đồng có miễn dịch phòng sởi, đây cũng là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Sau đó, nhiều nước trên thế giới đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên gần đây dịch sởi đã quay trở lại ở một số nước đã từng khống chế thành công hoặc loại trừ căn bệnh này. Đặc điểm dịch tễ học của bệnh sởi trên thế giới đã thay đổi trong những năm gần đây, đặc biệt sau một thời gian dài toàn thế giới thực hiện tiêm vắc xin sởi đạt tỉ lệ cao như tính mùa và chu kỳ không còn rõ nét, thời gian giữa các vụ dịch sởi kéo dài hơn, quy mô các vụ dịch bị thu nhỏ nhưng có xu hướng tái diễn, lứa tuổi mắc sởi dần dịch chuyển sang lứa tuổi lớn và đặc biệt ghi nhận số mắc cao ở trẻ rất nhỏ khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

Tình trạng tồn lưu kháng thể đối với vi rút sởi ở phụ nữ có thai

Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia, độ bao phủ vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi không ngừng gia tăng trên thế giới. Đến năm 2000, hầu hết các quốc gia đều triển khai tiêm vắc xin sởi bổ sung mũi 2 thông qua tiêm chủng thường xuyên hai liều hoặc thông qua các chiến dịch bổ sung cho cả nước trong những năm trước đó. Chỉ có 45 quốc gia vẫn triển khai tiêm chủng thường xuyên một liều duy nhất lúc 9 tháng tuổi. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi cao nhưng không phải tất cả các đối tượng đều có kháng thể bảo vệ với vi rút sởi, đặc biệt sự thiếu hụt kháng thể ở phụ nữ có thai dẫn tới thiếu hụt kháng thể ở trẻ ngay sau sinh và tăng nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ. Kết quả đánh giá tại huyện Đông Anh, Hà Nội thì chỉ 50% phụ nữ nhóm tuổi 18-19 có kháng thể trong khi 90,5% phụ nữ 30 tuổi và hơn có kháng thể.
 
Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức độ kháng thể của mẹ chính là tình trạng mắc sởi tự nhiên hoặc tình trạng tiêm vắc xin sởi trước đó của người mẹ. Tuy nhiên, để biết được chính xác tình trạng tiêm chủng hay mắc sởi tự nhiên của phụ nữ là rất khó nên một số nghiên cứu thường phân chia phụ nữ thành 2 nhóm là nhóm được sinh ra từ trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, kháng thể đối với sởi có được ở phụ nữ lứa tuổi này được coi là do mắc sởi tự nhiên; nhóm thứ 2 là nhóm phụ nữ được sinh ra sau khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, kháng thể có được ở nhóm này được cho là do tiêm chủng vắc xin sởi. Qua các nghiên cứu, cho thấy phụ nữ mắc sởi tự nhiên có nồng độ kháng thể cao hơn nhóm phụ nữ đươc tiêm chủng; tỷ lệ có kháng thể đủ bảo vệ với vi rút sởi nhóm phụ nữ mắc sởi tự nhiên cao hơn nhóm phụ nữ được tiêm chủng.

Tình trạng tồn lưu kháng thể đối với vi rút sởi truyền từ mẹ sang con ở trẻ sau sinh
 
Kháng thể ở trẻ sau sinh là kháng thể được truyền một cách tự nhiên từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc qua sữa mẹ. Trẻ nhỏ được bảo vệ trong những tháng đầu đời không mắc sởi chủ yếu là nhờ kháng thể IgG do mẹ truyền qua nhau thai. Hiện tượng này xảy ra từ tuần 28 của thai kỳ cho đến lúc trẻ ra đời. Kháng thể truyền từ mẹ sang con giảm chậm ở những tháng đầu sau đó đột ngột giảm nhanh ở những tháng sau và hầu hết đường cong kháng thể truyền từ mẹ sang con giảm thấp nhất ở tháng thứ 7-9, sau đó ở một vài khu vực lại thấy đường cong kháng thể trẻ có xu hướng đi lên khi 10 tháng tuổi, điều này có thể do nhiễm vi rút sởi. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự suy giảm nhanh chóng hiệu giá kháng thể ở trẻ sau sinh, tuy nhiên thời điểm không còn kháng thể bảo vệ rất khác nhau.
 
Phụ nữ có thai được chia thành 2 nhóm là nhóm sinh trước và sinh sau khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Kết quả cho thấy ở 3 tháng tuổi 21/73 (29%) con của phụ nữ được tiêm chủng vẫn còn kháng thể bảo vệ so với 51/85 (60%) con của phụ nữ miễn dịch tự nhiên. Ở 6 tháng tuổi 11/72 (15%) mẫu máu con dương tính, tất cả đều là con của bà mẹ có miễn dịch tự nhiên, còn vào 9 và 12 tháng tuổi không có mẫu nào có kháng thể với vi rút sởi dương tính. Tại Việt Nam, theo đánh giá tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương chỉ có 13,1% trẻ từ 2-9 tháng có kháng thể bảo vệ với vi rút sởi; nhóm trẻ 2 tháng tuổi 36,1% có kháng thể, nhóm trẻ 3-5 tháng chỉ còn 21,3% có kháng thể và nhóm trẻ 6-9 tháng chỉ còn 0,5% có kháng thể.
 
Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng kháng thể đối với vi rút sởi bao gồm các yếu tố từ mẹ và các yếu tố từ trẻ sau sinh. Các yếu tố từ mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ kháng thể và khả năng bảo vệ chống lại vi rút sởi của trẻ sau sinh là nồng độ kháng thể của mẹ trước khi sinh, mẹ có nồng độ kháng thể cao thì con sinh ra sẽ có nồng độ kháng thể cao và kéo dài. Tuổi của mẹ cũng ảnh hưởng đến kháng thể truyền từ mẹ sang con, tuổi mẹ càng lớn thì nồng độ kháng thể càng cao, do mẹ lớn tuổi chủ yếu là mắc sởi tự nhiên còn mẹ trẻ tuổi được sinh ra sau khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng nên kháng thể có được là do từ tiêm chủng, khả năng truyền cho con kém hơn. Tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi của mẹ trẻ cũng ảnh hưởng đến khả năng truyền kháng thể từ mẹ sang con. Ngoài ra, việc vận chuyển kháng thể từ bà mẹ bị nhiễm HIV, sốt rét sang thai nhi bị hạn chế, trẻ sinh ra từ các bà mẹ này sẽ có hiệu giá kháng thể thấp hơn các bà mẹ không bị mắc bệnh.
 
Qua đó, có thể thấy tình trạng kháng thể kháng vi rút sởi ở phụ nữ có thai có xu hướng giảm ở người trẻ tuổi, đồng nghĩa với việc khoảng trống miễn dịch đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Tình trạng kháng thể của trẻ sau sinh phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng kháng thể mẹ và cũng có xu hướng giảm nhanh ngay sau sinh và giảm nhiều hơn ở những trẻ sinh ra từ những bà mẹ trẻ tuổi nên trẻ sau sinh hiện nay có nguy cơ mắc sởi cao và sớm nên cần có những đánh giá thường xuyên về khoảng trống miễn dịch sởi ở các nhóm nguy cơ khác nhau để nghiên cứu các chiến lược hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc sởi  sớm ở trẻ sau sinh.

 

ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội)

 

Nguồn tin: hanoicdc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây